Trải qua hơn nữa thế
kỷ phát triển, động cơ tên lửa có vẻ bnhư đã tới hạn. Các nghiên cứu cải
tiến về nhiên liệu cũng không thể giúp động cơ tên lửa đạt tốc độ vượt
quá Mach 10 trong bầu khí quyển và vận tốc vũ trụ cấp 3 trong không
gian.
Ngoài ra, các tên lửa đẩy hiện nay gặp nhiều giới hạn về lực đẩy nên không thể phóng các phương tiện có trọng lượng lớn.
Đã gần 50 năm kể từ khi con người bắt đầu công cuộc
chinh phục vũ trụ. Tuy nhiên, những nơi mà con người vươn tới chẳng được
bao nhiêu so với tham vọng của cả nhân loại. Tất cả điều này đều do sự
hạn chế về tốc độ di chuyển trong không gian.
Ví dụ, một tàu vũ
trụ của NASA phải mất tới 12 tháng để đi đến sao Hỏa và trở về trái đất.
Để nghiên cứu các mặt trăng của sao Thổ tàu con thoi phải mất tới 9
năm cả đi và về. Những con số trên cho thấy rằng, nếu không tạo được sự
đột phá về tốc độ, con người mãi mãi sẽ không thể vượt qua được thái
dương hệ.
Động cơ xung hạt nhân - Cơ hội khám phá không gian
Ngay
khi bắt đầu bước vào lĩnh vực khám phá không gian vũ trụ, các nhà khoa
học đã nhận thấy động cơ tên lửa thông thường không thể tạo ra được sự
đột phá trong chinh phục không gian. Sự tới hạn về lực đẩy đã được các
nhà khoa học tiên lượng trước.
Ý tưởng về động cơ xung hạt nhân được tiến hành nghiên cứu ngay từ những năm cuối 1950 đầu 1960.
Dự án Orion, phát triển một động cơ năng lượng hạt nhân được tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm tại General Atomics.
Động
cơ xung hạt nhân hoạt động theo nguyên tắc tạo ra vụ nổ hạt nhân có
kiểm soát, năng lượng tạo ra từ vụ nổ sẽ được sử dụng để đẩy tàu con
thoi di chuyển, tương tự như động cơ tên lửa thông thường.
Những
tính toán cho thấy kết quả rất khả quan, với động cơ xung hạt nhân, tàu
con thoi có thể đi đến sao Hỏa và trở về chỉ trong 7 tuần, ghé thăm các
mặt trăng của sao Thổ chỉ mất 7 tháng.
Ngoài ra, lực đẩy tạo ra từ vụ nổ hạt nhân rất lớn,
điều đó cho phép phóng những con tàu không gian lớn hơn cho những nhiệm
vụ dài ngày.
Động cơ xung hạt nhân sẽ giúp con người khám phá
những vùng không gian bí ẩn xa xôi mà các tàu không gian với động cơ
thông thường có thể không bao giờ tới được.
Orion, dự án tiên phong
Động
cơ xung hạt nhân đã cho thấy tiềm năng to lớn của nó trong việc giúp
con người nghiên cứu không gian. Tuy nhiên, để làm chủ công nghệ này là
một thách thức rất lớn cho các nhà khoa học. Thách thức đầu tiên là vật
liệu chế tạo động cơ, phải là loại siêu bền để có thể chịu được sức mạnh
của vụ nổ hạt nhân. Thiết kế tham khảo của dự án tàu con thoi Orion sử
dụng thép dùng cho chế tạo tàu ngầm.
Bên cạnh đó một vấn đề khác
không kém phần hóc búa là bảo vệ phi hành đoàn và các thiết bị điện tử
trước sóng điện từ phát ra từ vụ nổ hạt nhân. Loại xung này có thể làm
tê liệt và phá hủy tất cả các thiết bị điện tử. Điều này đã ngăn cản
tính khả thi của dự án.
Ngoài ra, một vấn đề mang tính nguy hiểm
khác cho nhân loại là bụi phóng xạ, các tính toán cho thấy, bụi phóng xạ
từ vụ phóng tàu con thoi bằng động cơ xung hạt nhân có thể gây tử vong
từ 1-10 người trên mặt đất. Đặc biệt phóng xạ sẽ có sự lan tỏa rất cao
trong quá trình tàu con thoi vượt ra ngoài khí quyển.
Những hạn chế về công nghệ và vấn đề an toàn đã
khiến dự án Orion bị hủy bỏ vào năm 1963. Dự án tàu con thoi Orion đã bị
đình chỉ và chỉ được các nhà làm phim đưa vào trong bộ phim Deep Impart
năm 1998. Dù vậy, tiềm năng to lớn của nó vẫn là một kho báu cho nhân
loại.
Daedalus, niềm hy vọng vụt tắt
Giai
đoạn 1973-1978, Hội liên Anh đã khởi động dự án Daedalus nhằm thiết kế
một tàu vũ trụ không người lái sử dụng động cơ trên cơ sở ý tưởng động
cơ xung hạt nhân từ dự án Orion của Mỹ.
Daedalus muốn thiết kế
một tàu vũ trụ có trọng lượng tới 54.000 tấn, trong đó gần 50.000 tấn
nhiên liệu, 500 tấn các trang thiết bị khoa học. Đây có thể coi là dự án
tàu vũ trụ lớn nhất thế giới. Để có thể đẩy được khối lượng khổng lồ
này ra khỏi trái đất cần một loại siêu động cơ, ngay cả động cơ xung hạt
nhân của dự án Orion cũng chưa chắc đảm nhiệm được.
Vì vậy, các
nhà thiết kế Anh đã phát triển một khái niệm về động cơ mới đó là động
cơ nhiệt hạch. Động cơ nhiệt hạch sẽ sử dụng Deuterium và hổn hợp Heli-3
được đốt cháy trong buồng phản ứng, động cơ này còn được gọi là động cơ
plasma.
Động cơ này được đốt cháy trong 2 giai đoạn, giai đoạn
đốt cháy đầu tiên kéo dài trong khoảng 2 năm, giai đoạn này động cơ có
thể đưa tàu vũ trụ di chuyển với tốc độ bằng 7,1% tốc độ ánh sáng, giai
đoạn đốt cháy thứ 2 kéo dài khoảng 1,8 năm, tốc độ đạt được ở giai đoạn
này bằng 12% tốc độ ánh sáng.
Tuy nhiên, Heli-3 là loại đồng vị
phóng xạ rất hiếm trên trái đất, nơi chứa nhiều loại đồng vị phóng xạ
này ở tận sao Mộc quá xa Trái đất. Bên cạnh đó, đặc tính kỹ thuật của dự
án quá phức tạp và gần như vượt quá khả năng của con người trong giai
đoạn này. Tương tự như dự án Orion, dự án Daedalus bị đóng cửa vào cuối
những năm 1970.
Tia sáng le lói với Longshot
Đến
năm 1987-1994, NASA phối hợp cùng Học viện Hải quân Mỹ tiếp tục hồi
sinh động cơ xung hạt nhân bằng dự án tàu vũ trụ Longshot để thăm dò
ngôi sao Alpha Centauri B. Dự án sử dụng động cơ tương tự như động cơ
nhiệt hạch của dự án Deadalus. Điểm khác biệt là nó không sử dụng trực
tiếp phản ứng nhiệt hạch để tạo ra năng lượng như dự án Deadalus mà sử
dụng gián tiếp năng lượng nhiệt hạch thông qua một lò phản ứng.
Hành
trình của tàu không gian Longshot đến ngôi sao Alpha Centauri B kéo dài
đến 100 năm, tốc độ đạt được với động cơ này là 13.411km/giây, tương
đương với 4,5% tốc độ ánh sáng, tín hiệu thu thập được mất 4,39 năm để
trở về trái đất.
Tàu không gian Longshot có trọng lượng 396 tấn,
trong đó có 264 tấn nhiên liệu Heli-3/Deuterium cộng với một lò phản ứng
hạt nhân nặng 30 tấn. Động cơ xung hạt nhân của dự án Longshot tuy tốc
độ đạt được không cao như động cơ plasma của dự án Deadalus nhưng việc
lắp đặt một lò phản ứng hạt nhân đã cho thấy tính khả thi của dự án.
Sự
phát triển của dự án Longshot đến nay vẫn chưa được công bố một cách rõ
ràng. Tuy nhiên, các tiến bộ gần đây về công nghệ sẽ cho phép có những
phát triển khả quan hơn đối với động cơ xung hạt nhân, việc khám phá
không gian sẽ trở nên sáng sủa hơn với động cơ này.