|
Ảnh minh họa: shutterstock.com. |
Nếu thường xuyên quan sát những đàn kiến, bạn sẽ thấy
khi hai nhóm kiến di chuyển ngược chiều tới những điểm giao cắt, chúng
không bao giờ đâm vào nhau. Kết quả quan sát của nhiều nhà khoa học cho
thấy những nhóm kiến lớn hơn luôn đi trước và nhóm nhỏ hơn theo sau.
Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở các loài ong và mối.
Lấy cảm hứng từ hành vi "nhường nhịn" của côn trùng,
Ozan Tonguz, một nhà nghiên cứu về viễn thông của Đại học Carnegie
Mellon tại Mỹ, nảy ra ý tưởng chế tạo đèn giao thông có khả năng cấp
quyền ưu tiên cho các dòng xe cộ dựa trên số lượng của chúng, Newscientist đưa tin.
Hệ thống đèn giao thông ảo của Tonguz được thiết kế
theo nguyên lý sau: Khi các phương tiện giao thông tới một điểm giao
cắt, chúng sẽ phát tín hiệu để liên lạc với nhau. Một thuật toán sẽ xác
định số lượng xe tại giao lộ và hướng di chuyển của chúng, sau đó tìm ra
nhóm xe lớn nhất trong số các nhóm di chuyển cùng chiều.
Sau đó, hệ thống đèn giao thông sẽ cho phép nhóm xe cộ
lớn nhất băng qua giao lộ trước, còn tài xế trong những nhóm nhỏ hơn sẽ
thấy đèn đỏ. Ngay sau khi nhóm xe lớn nhất vượt qua, tài xế trong nhóm
lớn thứ hai sẽ thấy đèn xanh.
Các mô hình giả lập của Tonguz cho thấy hệ thống đèn
giao thông của ông có thể giảm từ 40 tới 60% thời gian lưu thông trên
đường của xe cộ. Ông muốn phát triển thuật toán lên mức cao hơn để nó có
thể đếm được cả số lượng xe đạp và người đi bộ. Mục tiêu của Tonguz là
thử nghiệm hệ thống đèn giao thông biết đếm trên đường thật trong hai
năm tới. |