Ưu điểm: - Thiết kế đẹp, cứng cáp. - Màn hình sáng sắc nét, màu sắc tốt. - Âm thanh trong, rõ ràng. - Bắt WiFi tốt. Nhược điểm: - Máy dễ nóng. - Pin không quá lâu, khoảng 1 ngày. - Giao diện HTC Sense nhiều ứng dụng chạy nền. |
Trước đây, khi nhắc tới HTC là ai cũng nghĩ tới ngay những chiếc điện thoại to dày, cục mịch, với thiết kế vỏ dùng nhiều kim loại để tạo cảm giác chắc chắn cho người dùng. Quan điểm đó tưởng chừng như không thể nào được thay thế khi ngay năm ngoái, toàn bộ dòng sản phẩm Sensation đều có tuân thủ quy tắc thiết kế trên. Thế nhưng điều những tưởng sẽ không bao giờ thay đổi ấy đã lại được thấy ngay trong năm nay khi HTC tung ra loạt sản phẩm HTC One và One X là ví dụ đầu tiên về thiết kế mỏng nhẹ. Hãy cùng tìm hiểu xem liệu sự thay đổi về quan điểm thiết kế này của HTC sẽ tạo ra một sản phẩm thế nào qua bài viết đánh giá chi tiết chiếc điện thoại cao cấp nhất của dòng HTC One. Cảm quan Giống như hầu hết các sản phẩm của HTC từ trước đến nay, HTC One X cũng được thiết kế bo tròn 4 góc, điểm khác biệt của One X đó là toàn bộ thân được làm nguyên khối bằng nhựa tổng hợp Poly carbonate chứ không tách rời như các sản phẩm trước đây, chính vì thế mà cảm giác đầu tiên ngay khi chạm vào HTC One X đó là sự chắc chắn, bám tay và trọng lượng vừa phải. Bản màu trắng của One X cho cảm giác hơi ngà đục tạo cảm giác sang trọng đúng chất của một chiếc điện thoại cao cấp. Bất cứ ai khi cầm chiếc điện thoại này trên tay cũng khó muốn rời tay vì thiết kế và màu sắc bắt mắt và trọng lượng vừa phải của nó. Mặc dù phần vò đã được thu gọn hết mức có thể nhưng độ dài của chiếc điện thoại cao cấp này vẫn hơi quá khổ so với túi của những chiếc quần jean cỡ nhỏ. Vì vậy mà tôi luôn phải bỏ điện thoại ra khỏi túi khi muốn cúi xuống buộc lại dây giầy. Phía cạnh phải là 2 phím tăng giảm âm lượng được thiết kế dài và độ lún tốt, tạo cảm giác thoải mái khi bấm. Trong khi đó nút nguồn bố trí ở mặt trên lại có hành trình phím khá ngắn, độ nảy không cao mà còn bị đặt ở phần mặt phẳng vát ở trên đầu nên người dùng khó cảm nhận được mình đã bấm trúng phím nguồn hay chưa. Do vỏ được thiết kế nguyên khối nên khe SIM cũng phải thiết kế dạng khay giống như trên iPhone, đồng thời vị trí đặt khay SIM này lại nằm ở mặt bo tròn của lưng máy nên tại vị trí cửa khe dẽ bị hằn các vết xước do quá trình tháo lắp tạo nên, rất ảnh hưởng tới vẻ bê ngoài nếu bạn tháo lắp không cẩn thận. Xét về tổng thể, thiết kế của HTC One X không có gì phải phàn nàn ngoại trừ chiếc Camera bị lồi hẳn lên giống như nhiều phiên bản trước đây vừa gây cảm giác phá khung thiết kế vừa khiến Camera nhanh xuống cấp do mặt ống kính phải tiếp xúc xuống mặt bàn. Ngoài ra One X cũng được trang bị tới 2 micro để hỗ trợ lọc ồn khi đàm thoại đồng thời cũng là để ghi âm Stereo khi quay phim trên máy. Màn hình Do sử dụng mặt kính cong Contour nên hầu như mọi ngóc ngách trên màn hình đều giữ được cảm giác bóng bẩy và mềm mại khi chưa bật máy. Tuy cùng có kích thước màn hình lên tới 4,7 inch nhưng HTC đã khéo léo đặt nó gần như ôm trọn phần mặt trước của vỏ máy nên cảm giác về ngoại hình của HTC One X vẫn nhỏ nhắn và vừa tay hơn so với chiếc Sensation XL đã từng được GenK giới thiệu trước đây. Nhờ sử dụng tấm nền Super IPS nên màu sắc của One X cho cảm giác sáng và tươi hơn nhiều so với loại màn hình Super AMOLED cho cảm giác màu rực rỡ nhưng không thật do bị ám xanh. Trải nghiệm chơi game lướt web trên một chiếc điện thoại có màn hình lớn như vậy quả thực không có gì phải phàn nàn, text và hình ảnh được thể hiện sắc nét, không bóng chữ, dễ nhìn đặc biệt là các loại ảnh phân giải cao cũng được thể hiện rất tốt. Đặc biệt là độ dày của tấm bảo vệ màn hình trên HTC One X được thiết kế rất mỏng, khiến người dùng tương tác với màn hình có cảm giác chân thực hơn hẳn các loại sử dụng tấm kính bảo vệ dày khiến phần nội dung hiển thị bị cách ra một khoảng so với đầu ngón tay, có cảm tưởng như tôi đang sờ trực tiếp vào những hình ảnh hiện trên màn máy vậy. Camera Camera có vẻ như không có gì đáng để nhắc tới trên siêu phẩm này bởi từ thiết kế cho tới chất lượng của bộ phận này đều khiến người dùng thất vọng, có chăng vớt vát lại chút tiếng tăm chỉ là ở tốc độ lấy nét cực nhanh do sử dụng riêng một chip xử lý hình ảnh (0,2 giây) của camera 8 MP giúp người dùng có thể chụp liên tiếp hàng chục tấm ảnh khác nhau chỉ trong vài giây. Ảnh chụp ngoại cảnh từ Camera của One X vẫn mắc phải một nhược điểm cố hữu ở bất cứ dòng sản phẩm nào của HTC trước đây đó là màu sắc bị ngả sang sắc tím hơi nhiều khiến những bức ảnh chụp nền trời xanh thường có cảm giác u ám và ảm đạm. Đồng thời ánh sáng cũng bị đẩy lên khá nhiều khiến các bức ảnh chụp trong điều kiện nắng gắt dễ bị lóa sáng do camera đẩy thêm sáng cho những bức ảnh đã thừa sáng. Ánh sáng bị đẩy lên ngay cả ở điều kiện dư sáng nên thường bị lóa. Nếu chụp ngoại cảnh là điểm yếu đáng phê bình của HTC One X thì ảnh chụp nội cảnh trong điều kiện ánh sáng nhân tạo của chiếc smartphone này lại có phần khả quan hơn. Trong điều kiện đủ sáng ảnh cho độ chi tiết rất cao. Ngay cả khi chụp ở điều kiện ánh sáng yếu ảnh vẫn không bị nhiễu màu như trên chiếc Xperia S, mặc dù độ nét có giảm đi nhiều. Tuy bị hạt khi chụp thiếu sáng nhưng vẫn không bị nhiễu màu như Xperia S. Khi quay video ở độ phân giải HD trong điều kiện ánh sáng đủ, hình ảnh vẫn hơi thiên về màu tím và độ nét chỉ ở mức chấp nhận được. Riêng về âm thanh, do có tới 2 mic được đặt ở 2 đầu nên âm thanh thu được khi quay khá to rõ ràng và thanh thoát hơn so với các loại điện thoại chỉ ghi âm mono bằng 1 mic. Đàm thoại Loa của HTC One X được bố trí rộng ở viền trên của máy với nhiều lỗ thoát nên âm thanh thoại khá to và rõ ràng ngay cả trong điều kiện môi trường xung quanh nhiều tạp âm. Cũng nhờ có tới 2 mic nên máy có thể so sánh âm thanh thu được ở 2 mic này và lọc ra những tạp âm không cần thiết để loại bỏ đây cũng là cách mà rất nhiều smartphone hiện nay đang dùng để lọc tiếng ồn khi đàm thoại. Ngoài ra, trên chiếc smartphone cao cấp này có tồn tại một nhược điểm khá khó nhận biết đó là lỗi giảm sóng khi cầm áp chặt mặt lưng của máy vào lòng bàn tay, trong điều kiện sóng kém thì điện thoại có thể bị tụt khoảng 1 vạch sóng, điều này cũng khá ảnh hưởng nếu như bạn dùng SIM của các nhà mạng nhỏ, sóng kém hoặc sử dụng trong những nơi bị khuất sóng hay đè sóng. Còn trong điều kiện bình thường với nhà mạng sóng tốt như Viettel thì vấn đề này không đáng bận tâm cho lắm. Phần cứng Còn nhớ trước đây, khi Tegra 2 ra mắt trên chiếc Optimus X2 cũng với danh hiệu là chiếc điện thoại lõi kép đầu tiên thế nhưng hiệu năng của Tegra 2 lại hơi đáng thất vọng vì vấn đề kén game, các lập trình viên phải thiết kế hẳn một phiên bản riêng mới có thể hoạt động ổn định, chưa kể đến vấn đề hiệu năng xử lý của loại chip này chưa thực sự đúng với những gì được ca tụng. May thay Nvidia đã chịu nhìn nhận lại và cho ra một con chip lõi tứ Tegra 3 có hiệu năng đáng nể ở các tác vụ xử lý phim ảnh chất lượng HD 1080p hay chạy các loại game có chất lượng đồ họa đỉnh cao với tốc độ mượt mà. HTC One X sử dụng chip lõi tứ Tegra 3 mới nhất của Nvidia cho hiệu năng vượt trội, cùng với bộ nhớ RAM tới 1 GB cho bạn thỏa sức tung hoành hàng tá phần mềm cùng lúc. Nhưng cấu hình khủng cũng là nguyên nhân khiến cho chiếc máy mỏng, nhẹ của HTC phải nhồi nhét một viên pin dung lượng tới 1800 mAh. Thời lượng Pin và nhiệt độ Thời gian sử dụng luôn là điều mà bất cứ người dùng nào có ý định tậu cho mình một chiếc smartphone đều quan tâm rất kĩ, bởi một chiếc điện thoại có tốt đến đâu, cấu hình có mạnh đến đâu nhưng thời gian hoạt động lại không thể đáp ứng được một ngày làm việc thì đó khó có thể coi là một chiếc smartphone tốt. HTC cũng đã biết được điểm yếu cố hữu về pin của mình nên đã sử dụng pin dung lượng lên tới 1800 mAh cho chiếc One X. Với một nguồn năng lượng lớn như vậy HTC có thể đủ sức gánh vác chiếc điện thoại cấu hình khủng này từ 8 giờ sáng cho tới khoảng 7 giờ tối mà pin vẫn còn duy trì được khoảng 10%. Nhiệt độ cũng là vấn đề đáng quan tâm của HTC One X, khi tôi thử sử dụng các tác vụ thông thường như duyệt web, nhắn tin, đọc mail, facebook thông qua kết nối 3G thì mặt máy tăng nhiệt độ lên khoảng 5 đến 7 độ C. Đặc biệt là sau khi chơi game khoảng 20 phút tôi đã không muốn áp chiếc điện thoại này lên tai để nhận cuộc gọi vì nhiệt độ màn hình làm da hơi rát nhẹ. Cũng chính vì nhiệt độ lúc chơi game khá cao nên pin cũng vì đó mà giảm rất nhanh. Nhưng vấn đề nhiệt độ của HTC One X không phải đến từ thiết kế mà lại nằm ở phần mềm. Giao diện HTC Sense 4.0 khá bắt mắt nhưng bắt máy phải chạy nền quá nhiều ứng dụng, đồng thời cách đây máy ngày GenKcũng đã đăng một tin tức quan trọng về pin của HTC One X bị tụt nhanh là do file hệ thống quản lý chip Tegra 3 bị đặt sai vị trí dẫn đến hiện tượng pin giảm nhanh và nhiệt độ máy tăng cao. Sau khi sửa lại vấn đề trên thì nhiệt độ máy giảm đi thấy rõ đồng thời thời lượng pin cũng tăng lên đáng kể (khoảng 12%). Đây có lẽ là một điểm trừ cho HTC khi vội vàng tung ra siêu phẩm này mà lại để mắc một lỗi không đáng có về phần mềm khiến hiệu quả hoạt động của máy bị ảnh hưởng. Nhiều chuyên gia đến từ các diễn đàn tên tuổi như XDA cũng đã cho ra các phiên bản ROM Mod cho HTC One X với mục đích thay thế giao diện Sense gây nhiều hạn chế cho phần cứng mạnh mẽ của nó. Vì thời gian khá hạn hẹp nên tôi cũng chưa có điều kiện để thử các bản ROM mod này xem hiệu quả đến đâu nhưng theo rất nhiều phản hồi trên diễn đàn thì ROM mod khiến HTC One X lột xác từ đầu tới chân. Khi máy hoạt động mát hơn nhiều và thời lượng pin cũng tăng thêm kha khá. Wifi Wifi có lẽ là một thế mạnh của HTC One X bởi khả năng bắt kết nối ở khoảng cách xa rất tốt, ví dụ điển hình như chiếc Sony Xperia S mà cách đây không lâu tôi được dùng thử cũng không thể bắt được sóng wifi gia đình từ tầng 3 khi đang đứng ở tầng 1, hoặc với một thiết bị to hơn như chiếc Kindle Fire cũng bị mất sóng liên tục trong suốt quá trình lướt web. Thế nhưng HTC One X lại có thể bắt sóng Wifi này một cách dễ dàng và nhanh chóng với mức sóng lên tới 2 vạch trong khi phần mềm của nó lại thiết lập mặc định là cắt giảm bớt hiệu năng của Wifi để tiết kiệm pin. Công nghệ truyền dữ liệu khoảng cách gần (NFC) Đây là một trong những công nghệ đang được tích hợp rất nhiều trên các loại smartphone hiện nay nhằm phục vụ cho những ứng dụng có tính tương lai như ví điện tử của Google. Thế nhưng những thứ như vậy ở Việt Nam vẫn còn quá xa vời nên có lẽ NFC có trên One X sẽ chỉ được một bộ phận rất nhỏ ứng dụng được vào đời sống vì vậy xin phép không đánh giá sâu vào tính năng này. Âm thanh Nhở sử dụng công nghệ âm thanh của Beats nên loa ngoài của HTC One X cho âm thanh khá trong và độ chi tiết rất cao đặc biệt thấy rõ ở những bản nhạc có đoạn Solo Piano. Nhưng khi đẩy âm lượng lên tối đa thì có cảm giác tiếng phát ra hơi bị rung ở những đoạn có âm cao và chói khi đó tiếng sẽ gây cảm giác nhòe và độ chi tiết của âm cũng bị giảm. Điểm mạnh về âm thanh đáng kể nhất có lẽ là vì điện thoại thường đi kèm với một chiếc tai nghe Beats, HTC One X cũng vậy. Thế nhưng có lẽ đây sẽ là dòng điện thoại cuối cùng còn được tặng kèm tai nghe beats. Kết luận Có vẻ như lần này HTC đã đúng khi quyết định thay đổi những quan niệm về thiết kế khi chiếc One X đã chứng minh rằng dù làm hoàn toàn bằng nhựa tổng hợp, dù trọng lượng rất nhẹ nhưng ai cũng phải công nhận rằng chiếc điện thoại này rất cứng cáp và chắc chắn, chưa kể đến màu sắc ngà đục của lớp vỏ làm người ta có cảm giác sang trọng hơn, tất nhiên là ngoại trừ thiết kế của chiếc camera. Cải tiến về thiết kế đã cho thấy được thành công, nhưng những người thiết kế phần mềm lại là người đạp đổ thành công đó. Chỉ vì một sai sót không đáng có mà giờ đây HTC One X lại phải mang một cái mác không mấy dễ nghe mà đáng lẽ nó không phải chịu, ấy là máy dễ nóng và pin không được lâu. |