Các phòng thí nghiệm cần có trong tay những con chuột mắc chứng bệnh trầm cảm ở các mức độ khác nhau để thử nghiệm thuốc chống thứ bệnh phổ biến nhất trong cuộc sống của thời hiện đại. Những con chuột trầm cảm do chuột máy gây ra cho phép các nhà khoa học hy vọng, tìm ra được những loại thuốc có hiệu quả hơn.
Chú chuột máy có kích thước tương đương với chuột thật.
Con chuột máy này mang tên Mini-Robot WR-3 được lập trình cho ba loại hành vi: truy đuổi, liên tục tấn công và đánh nhau với chuột thật. Trong chương trình đầu tiên chuột máy đuổi theo chuột thật, song luôn duy trì một khoảng cách nhất định, không tấn công mà chỉ làm chuột thật mệt nhoài.
Với chương trình thứ hai, chuột máy liên tục tấn công chuột thật không ngơi nghỉ. Còn ở chương trình thứ ba, chuột máy ứng xử một cách thông minh: nó biết rình, bất động khi chuột thật nằm yên và khi chuột thật đụng đậy nó lại xông vào tấn công trong 5 giây.
Trong quá trình thử nghiệm, người ta chia những con chuột thí nghiệm ra thành hai nhóm bằng nhau. Chuột thật ở nhóm 1 bị “quần” liên tục, còn những con nhóm hai chỉ bị tấn công khi chuyển động.
Các thí nghiệm đã cho thấy rằng để tạo ra những con chuột bị trầm cảm mãn tính, cần áp dụng kiểu tấn công liên tục vào những con chuột còn trẻ, còn chế độ “vờn”, vừa tấn công vừa nghỉ thì bệnh trầm cảm mãn tính sẽ xuất hiện ở những con chuột già.
Nhờ phương pháp đó các nhà khoa học đã tạo ra được bầy chuột có các mức độ trầm cảm khác nhau để thử và so sánh tác dụng của thuốc. Nếu thấy thuốc thực sự có hiệu quả, người ta mới thử nghiệm trên người. Chỉ sau một quá trình thử nghiệm lặp đi lặp lại như vật thấy kết quả nhất quán mới được phép sản xuất và bán ra thị trường.
Thuốc chống trầm cảm trước đây cũng thử nghiệm trên những con chuột bị trầm cảm nhưng gây bệnh cho chúng rất khó. Ví dụ phải cho chúng bơi rất lâu, "phá huỷ" khứu giác của chúng hoặc dùng sốc điện. Bằng cách đó cũng tạo ra được những con chuột bị trầm cảm nhưng không xác định các “mẫu” chuột thí nghiệm để thử thuốc, tương ứng với con người.