Nhiều điểm mới
So với ngày thi đấu vòng loại cấp trường cách đây gần 2 tháng, tất cả robot đều đã được cải tạo, nâng cấp trở nên đẹp mắt, chắc chắn và hoạt động ổn định, linh hoạt hơn. Do thi hành nhiệm vụ phức tạp của đề thi, ngoài kết cấu cơ khí cứng vững, phần mạch và cơ cấu hoạt động của robot cũng phức tạp hơn mọi năm, thể hiện ở số lượng ống dẫn khí, van servo, xi-lanh, động cơ điện, chip, các loại cảm biến...
|
Robot điều khiển bằng tay (phải) nhận cấu kiện “mầm xanh” từ robot tự động (trái) |
Các cánh tay gắp và thả các cấu kiện “lá” của robot điều khiển bằng tay được các đội sử dụng hệ thống điều khiển bằng khí nén với cơ cấu hoạt động phức tạp, bởi phải gắn từng “lá” trên sân thi đấu ở các khoảng cách xa gần khác nhau. Trong khi đó, một cánh tay khác của robot này chuyên nhận “mầm xanh” từ robot điều khiển tự động và ném lên “Mặt Trăng” bằng hệ thống điều khiển bằng khí nén hoặc điện (nhờ lò xo).
Cũng khác với mọi năm, robot điều khiển tự động không còn được dò đường theo các đường trắng (line) thẳng, thay vào đó, trên sân thi đấu chỉ dán các line hình cánh cung phức tạp. Chính vì vậy, các đội đã sử dụng một số loại cảm biến (có thể sử dụng la bàn điện tử) và sáng tạo xoay hướng bánh xe, lập trình cho robot di chuyển không dựa vào các line mà chủ yếu là định vị nhờ các ô trống gắn cấu kiện “lá”.
Không gian nhà thi đấu của robocon năm nay cũng khác với mọi năm, bởi ngoài tiếng hò reo cổ vũ của khán giả, tiếng bình luận của thuyết minh viên, tiếng cọ xát bánh xe robot vào mặt sân, còn có cả tiếng xì xèo xả khí, nạp khí và tiếng máy nén khí hoạt động. Trên sân thi đấu, luôn có thành viên của các đội kè kè sẵn máy nén khí, pin điện và cả laptop để sẵn sàng lăn xả vào khu vực xuất phát khi đội xin thử lại (retry) để nhanh chóng nạp khí, thay pin và nạp lại dữ liệu cho robot.
Năm 2013, Đà Nẵng đăng cai tổ chức vòng sơ tuyển Robocon khu vực miền Trung - Tây Nguyên (tháng 4-2013), vòng chung kết Robocon Việt Nam (tháng 5-2013) và vòng chung kết ABU Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương (tháng 8-2013).
Hành tinh xanh
Đến lượt trận thi đấu thứ 6, đông đảo khán giả là những sinh viên yêu sáng tạo, công nghệ và Robocon mới được dịp vỗ tay tán thưởng khi robot điều khiển bằng tay của đội BKD-CPC suýt chút nữa ném thành công khối “mầm xanh” lên đứng vững trên “Mặt Trăng” là đĩa tròn cao cách mặt đất 1,5m, điều mà ngay chính con người cũng khó làm được từ khoảng cách hơn 5m. Phải chờ đợi đến trận đấu thứ 20, đội BKD-PTC mới giành chiến thắng “Green Planet” đẹp mắt ngay cú ném đầu tiên, cũng là chiến thắng tuyệt đối duy nhất của vòng bảng.
Không chịu kém cạnh người anh em cùng khoa Điện với mình, ngay trận đấu đầu tiên của vòng tứ kết, đội BKD-CPC cũng giành chiến thắng “Green Planet” chỉ với một cú ném. Chứng tỏ 2 đội này đã tập luyện rất nhiều, từ cách chọn vị trí đứng ném của robot điều khiển bằng tay, đến việc điều chỉnh hướng và thông số lực ném sao cho chính xác. Chưa kể có một thành viên phụ chuyên sắp đặt 3 cấu kiện “mầm xanh” trên sân thi đấu ở vị trí chính xác đến từng milimét để robot tự động dễ “nhìn thấy” và gắp nhanh chóng sau khi hoàn thành nhiệm vụ gắn các cấu kiện “lá”.
Với sự thể hiện xuất sắc, đội BKD-CPC và BKD-PTC xứng đáng chia nhau ngôi vị nhất, nhì, một đội mạnh của Khoa Cơ khí là BK Bestmix giành ngôi vị thứ ba.