Dấu hiệu bị nhiễm các phần mềm độc hại
Cũng giống như trên máy tính, khi bị nhiễm malware, thiết bị Android của bạn sẽ có một số hành động khác thường và bạn không thể thay đổi được bất kỳ điều gì.
- Sử dụng dữ liệu không rõ ràng: có rất nhiều phần mềm độc hại tồn tại để thu thập dữ liệu về tài khoản, số thẻ tín dụng, danh bạ, vv... Một khi có được các thông tin này, nó sẽ tự động được chuyển tiếp về cho người đã tạo ra nó. Và trong nhiều trường hợp, việc chuyển giao thông tin này sẽ dẫn đến sự khác lạ trong sử dụng dữ liệu.
- Hiệu suất của thiết bị kém: tùy thuộc vào thời gian sử dụng và mức độ nghiêm trọng của việc lây nhiễm mà hiệu suất điện thoại của bạn sẽ bị giảm đi nhiều hay ít, đặc biệt là khi bạn đã khởi động lại thiết bị mà các vấn đề không được giảm bớt.
- Thời lượng pin bị giảm: do hầu hết các phần mềm độc hại đều được thiết kế để chạy nền trong hệ thống, nên nó sẽ làm sụt giảm đáng kể thời lượng pin trên thiết bị của bạn.
Loại bỏ phần mềm độc hại từ Android
Cách tốt nhất để loại bỏ malware là cài thêm một chương trình chống virus trên thiết bị. Tuy nhiên, bạn hãy cẩn thận và chỉ cài đặt các ứng dụng có tên tuổi được nhiều người sử dụng, nếu không thì bạn sẽ lại rước thêm của nợ về máy. Dưới đây là một số phần mềm miễn phí mà bạn có thể tham khảo:
- Avast! Mobile Security (http://itechnews360.com/avastmobile): chương trình có thể quét toàn bộ ứng dụng trên thiết bị theo lựa chọn của người dùng, hoặc tự động quét theo lịch trình được đặt sẵn. Khi duyệt web, nó sẽ phát hiện và ngăn chặn các liên kết nhiễm malware, giám sát lưu lượng truy cập ra và vào. Bên cạnh đó, nó còn các tính năng tiên tiến khác như chống trộm, tường lửa thông minh và lọc các tin nhắn SMS hoặc cuộc gọi.
- AVG Antivirus Security (http://itechnews360.com/avgsecurity): ứng dụng này sẽ quét tất cả các tập tin mới và các ứng dụng mà nó nghi ngờ, sau đó, cung cấp cho bạn các thiết lập và những lời khuyên để xử lý các lỗ hổng bảo mật. Nó cũng được trang bị thêm một số tính năng tiên tiến khác như giám sát băng thông và các biện pháp chống trộm.
- 360 Mobile Security (http://itechnews360.com/360security): cung cấp các bảo vệ dựa vào cơ sở dữ liệu luôn được cập nhật trên đám mây, giúp bạn phát hiện các lỗ hổng bảo mật và tối ưu hóa các thiết lập tự động. Nhìn chung, đây là chương trình chống virus dễ sử dụng và có giao diện khá đẹp mắt.
Một số cách hạn chế lây nhiễm
Cách duy nhất để ngăn chặn phần mềm độc hại là hạn chế tải về các ứng dụng từ bên ngoài Google Play, không cắm thiết bị Android vào máy tính (thay vào đó hãy sử dụng các ứng dụng để biến Android thành ổ đĩa mạng, chẳng hạn như là AirDroid, DroidNAS, vv...), và áp dụng thêm một số mẹo nhỏ dưới đây:
- Kiểm tra đánh giá ứng dụng: khi bạn tìm thấy một ứng dụng mới và muốn cài đặt, điều đầu tiên bạn nên làm là tìm đọc những nhận xét từ những người dùng khác. Qua đó, bạn có thể cảm nhận được phần nào về ứng dụng và đưa ra những quyết định đúng đắn.
- Kiểm tra hồ sơ của nhà phát triển: nếu chưa an tâm với những đánh giá của người dùng, bạn hãy tiếp tục kiểm tra thêm phần hồ sơ của nhà phát triển ứng dụng để xem nó có đáng tin cậy hay không.
- Hãy xem rõ các điều lệ khi cấp quyền cho ứng dụng: khi bấm nút Install để thiết bị bắt đầu tải về và cài đặt, bạn hãy xem rõ toàn bộ các quyền mà ứng dụng yêu cầu, nếu thấy có điều gì đó quá đáng hoặc không hợp lý, hãy ngưng việc cài đặt ngay lập tức. Chẳng hạn như các ứng dụng đọc báo, đọc truyện hay xem tivi mà lại có yêu cầu gửi tin nhắn đi từ điện thoại của bạn là không hợp lý!
- Thường xuyên quét toàn bộ thiết bị: để thực hiện việc này, bạn có thể cài đặt một trong các phần mềm chống virus được giới thiệu bên trên, và hãy quét qua toàn bộ thiết bị mỗi ngày, hoặc ít nhất mỗi tuần một lần.