Việt Nam là nước nông nghiệp, với hơn 70% dân số sống bằng nghề nông nên việc tận dụng nguồn phế thải nông nghiệp sau thu hoạch (phần lớn là rơm, rạ) để tạo phân bón hữu cơ là vấn đề hết sức có ý nghĩa, vừa góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí tài nguyên, vừa tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao để bón cho cây trồng. Chế phẩm vi sinh xử lý phế thải hữu cơ do các nhà khoa học của Trung tâm Sinh học Thực nghiệm thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nghiên cứu, sản xuất sẽ giúp bà con nông dân tạo được nguồn phân bón phục vụ sản xuất và bước đầu tiếp cận với các tiến bộ mới của công nghệ sinh học.
|
|
Vài năm trở lại đây, tình trạng đốt rơm, rạ diễn ra ngày càng phổ biến sau mùa gặt, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến môi trường và sức khỏe của người dân.Việc đốt rơm, rạ không những lãng phí nguồn nhiên nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ em, người già và người mắc bệnh hô hấp, thậm chí gây mất an toàn giao thông. Thành phần các chất gây ô nhiễm không khí do đốt rơm, rạ tác động đến sức khỏe con người là hydrocacbon thơm đa vòng (viết tắt là PAH), dibenzo-p-dioxin clo hoá (PCDDs) và dibenzofuran clo hoá (PCDFs), là các dẫn xuất của dioxin rất độc hại, có thể tiềm ẩn gây ung thư.Ngoài ra, việc đốt rơm, rạ trực tiếp ngay trên đồng ruộng còn gây bất lợi cho đồng ruộng vì các chất hữu cơ trong rơm, rạ và trong đất sẽ biến thành các chất vô cơ do nhiệt độ cao. Đồng ruộng bị khô, chai cứng, một lượng lớn nước bị bốc hơi do quá trình cháy rơm, rạ. |
|
(Nguồn:
Theo nacentech.vn
)
|
|
|
|