Từ khi ra mắt lần đầu năm 2008, AppStore của Apple đã đi được 1 chặng
đường rất dài. Ngày mới ra mắt, AppStore chỉ có vỏn vẹn 500 ứng dụng,
giờ đây con số này đã là 350.000. Đó là còn chưa tính tới số ứng dụng bị
từ chối vì qui trình kiểm duyệt ứng dụng của Apple vốn nổi tiếng là
khắt khe.
Ấy vậy mà vẫn không thiếu trường hợp "lọt lưới" và tiêu biểu là những
ứng dụng dưới đây. Lưu ý là một vài trong số chúng đã bị xóa sau các
đợt kiểm tra của Apple.
1. Hold The Button
Đứng số 1 trong danh sách là ứng dụng Hold The Button. Có lẽ khó ứng
dụng nào, không chỉ trên iOS mà là ở bất kì nền tảng nào có thể đánh bại
Hold The Button về độ... vô bổ. Nội dung của app này chỉ đơn giản là
trên màn hình hiển thị 1 dấu vân tay, bạn đặt ngón tay mình vào đó và
giữ nguyên 1 chỗ.
Và đó là toàn bộ những gì mà Hold The Button đem lại cho người sử
dụng. Mục tiêu là bạn sẽ phải giữ cái nút đó đến khi nào thấy chán hoặc
máy... hết pin thì thôi. Trong lúc chờ đợi, bạn có thể xem 1 chiếc đồng
hồ đếm thời gian chạy trên màn hình, đồng thời đọc... quảng cáo mà ứng
dụng "dí" vào mắt.
Cứ giữ tay vào đây đến lúc chán thì thôi.
Có lẽ ý tưởng ban đầu của Hold The Button là để luyện tính kiên nhẫn,
thử thách ý chí hoặc chỉ đơn giản là 1 kiểu giải trí dành cho người mắc
chứng tự kỉ. Tuy nhiên đối với những người đầu óc bình thường thì có lẽ
chẳng ai dở hơi đến mức suốt ngày ngồi ôm lấy cái điện thoại như thế
này. Sau khi bỏ tay ra "thành tích" của bạn sẽ được ghi lại, và thậm chí
bạn có thể so sánh kết quả của mình với "đối thủ" trên toàn thế giới
thông qua 1 bảng xếp hạng được cập nhật sẵn trong ứng dụng.
Trong trường hợp bạn vẫn cảm thấy hứng thú với Hold The Button, bạn có thể thử phiên bản web của ứng dụng này tại đây.
2. iNap@Work
Làm thế nào để ngủ gật trong giờ mà không bị sếp "tố"?
Ứng dụng này đúng như cái tên gọi của mình (đọc là I Nap at Work: Tôi
ngủ ngày trong giờ làm việc), có nhiệm vụ giúp bạn "qua mặt" sếp khi
muốn chợp mắt giây lát giữa giờ làm việc. Đại khái nó sẽ phát ra các âm
thanh do bạn định sẵn, chẳng hạn như tiếng bàn phím lọc cọc, tiếng bấm
bút, tiếng hắng giọng... để người ngoài nghe thấy vẫn tưởng bạn đang
ngồi làm việc trong khi thực tế là bạn đã "say giấc nồng" từ lâu trong
cabin làm việc. Bạn có thể chỉnh tần suất phát ra của các loại âm thanh
này để nghe có vẻ tự nhiên hơn.
Tiếng bàn phím, chuột, vò giấy, dập ghim cùng tần suất xuất hiện để nghe như bạn đang ngồi làm việc.
Nhìn chung ý tưởng của iSnap thì không tệ, nhưng vấn đề là những âm
thanh do ứng dụng này phát ra lại giả tạo đến độ bất kỳ ai nghe qua đều
muốn... ngó vào xem người bên trong cabin đang làm gì.
Câu hỏi cuối cùng quay về: Liệu cái nào tệ hơn trong 2 tình huống
sau: Bị sếp bắt gặp ngủ gật giữa giờ làm việc và bị sếp bắt gặp ngủ gật
giữa giờ làm việc trong khi dùng 1 ứng dụng ngớ ngẩn của iPhone để giả
vờ mình còn thức?
Nếu bạn lọt vào tình huống thứ 2 có lẽ bạn nên chuyển chỗ làm vì từ
nay tên tuổi bạn sẽ có mặt trong tất cả những cuộc đàm tiếu lúc trà dư
tửu hậu của bạn bè đồng nghiệp.
3. FatBurner2k:
iPhone gọi điện, iPhone chơi game, iPhone nghe nhạc, iPhone duyệt
web, iPhone... Vô số tính năng của chiếc smartphone này đôi khi khiến
người sử dụng cảm thấy chiếc smartphone của mình quá sức đa năng. Và
thậm chí một lập trình viên còn quyết định "tích hợp" thêm chức năng
"đai đánh tan mỡ bụng" vào chiếc smartphone này thông qua ứng dụng
Fatburner2k.
Đặt máy vào đây.
Nếu bạn từng xem các bà các chị dùng đai đánh mỡ bụng ở phòng tập thể
dục thì có lẽ bạn sẽ dễ dàng hình dung ra cơ chế hoạt động của ứng dụng
này: Ứng dụng này khiến chiếc iPhone của bạn rung như khi có cuộc gọi
đến, áp nó vào bụng và xung chấn từ iPhone sẽ giúp bạn... đánh tan mỡ
bụng.
Không hiểu công dụng của ứng dụng này đến đâu, tuy nhiên chắc chắn
lập trình viên viết ra nó phải là 1 kẻ thù không đội trời chung của thể thao.
Vì anh ta đã viết những dòng như thế này trong phần mô tả ứng dụng:
"Bạn sẽ không mất thời giờ đứng uốn éo nhảy nhót ở những phòng tập đắt
đỏ, nơi mà người ta chỉ đến đứng uống cà phê và "bán dáng" cả ngày".
4. Hair Clinic:
Tin vui cho các quí bà: Chiếc iPhone của quí vị ngoài công dụng giảm
mỡ bụng còn có khả năng chăm sóc... tóc. Theo quảng cáo của người phát
triển ứng dụng này, Hair Clinic sẽ phát ra 1 đoạn âm thanh "mà tai
thường không nghe thấy được" nhằm tăng tuần hoàn ở các mao mạch trên da
đầu và xung quanh chân tóc, giúp tóc bạn phát triển khỏe và dày hơn.
Tác dụng của đoạn âm thanh này đến đâu thì chưa biết, nhưng ngay
trong ứng dụng, tác giả đã phải lưu ý người dùng rằng nó không có tác
dụng chữa bệnh... hói đầu. Đồng thời người sử dụng có thể bị... đau đầu
nếu để loa của máy quá sát tai.
Theo nhận định của các chuyên gia có lẽ đây cũng chỉ là 1 trò đùa của
anh chàng lập trình viên, nhưng kể cả có là trò đùa thì cái giá của nó
cũng không hề rẻ chút nào: 3.99$ (Khoảng 80 nghìn).
5. Can I Drive Yet:
Nếu ai từng học luật giao thông thì sẽ biết rằng gần đây nhà nước mới
đưa ra qui định về việc hạn chế nồng độ cồn trong khí thở khi điều
khiển phương tiện giao thông. Cụ thể chế tài như sau : Phạt tiền từ
4.000.000 đến 6.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX ô tô 60 ngày
trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ
cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4miligam/1 lít
khí thở.
Tôi đã uống 3 vại bia, 1 ly rượu nồng độ cồn 40 độ, bao giờ thì tôi lái được xe?
0.4 Miligam cồn/ lít khí thở là con số không hề lớn, chỉ với 1, 2 vại
bia là nồng độ cồn trong hơi thở của bạn đã dễ dàng vượt qua mức này.
Và ý tưởng của Can I Drive Yet là bạn sẽ nhập lượng bia rượu mà mình vừa
uống vào trong iPhone và ứng dụng này sẽ cho bạn biết bạn còn phải chờ
bao nhiêu lâu nữa để nồng độ cồn trong hơi thở xuống dưới mức hạn định
để tham gia giao thông.
Ý tưởng của Can I Drive Yet không hề tệ, thậm chí có thể nói là khá
thú vị nữa. Vấn đề là ở chỗ nếu bạn đủ tỉnh táo để đếm rành rọt mình đã
uống mấy cốc rồi sử dụng iPhone tra xem nồng độ cồn trong máu mình là
bao nhiêu thì bạn cũng đủ tỉnh táo để không... phi ra đường lúc đang
"lâng lâng". Còn trong trường hợp bạn đã sẵn sàng lao ra đường khi vừa
uống rượu xong thì đến 99.99% là bạn sẽ không nhớ đến Can I Drive Yet.
Trong cả 2 tình huống, Can I Drive Yet đều chứng minh được sự vô dụng của mình. |