Theo trang tin Discovery, các nhà khoa học nhận thấy một bàn chân trần chạm đất thường để lại dấu vết đặc trưng của “chủ sở hữu”. Phát hiện này đồng nghĩa với việc một ngày nào đó trong tương lai, các mô hình áp lực chân sẽ góp mặt vào danh sách các biện pháp nhận diện (hiện bao gồm quét võng mạc, nhận dạng tiếng nói, chụp hình mặt).
Dấu chân hiệu quả như dấu vân tay trong việc nhận dạng - (Ảnh: Red Orbit)
Các nghiên cứu trước đây cho thấy mỗi người có một dáng đi riêng biệt. Máy tính có thể xác định các “mô hình dáng đi”,
tức cách thức đi lại của một cá nhân, với độ chính xác cao đến 90%.
Nhóm nghiên cứu do ông Todd Pataky chủ trì tại Đại học Shinshu (thành
phố Matsumoto) đã nỗ lực củng cố phát hiện này bằng cách đánh giá cách
thức bàn chân chạm đất và để lại dấu vết khi bước đi.
Họ sử dụng phương pháp xử lý hình ảnh 3-D và một kỹ thuật gọi là “chiết xuất hình ảnh” để phân tích những đặc điểm đi lại của 104 người tình nguyện, bao gồm cách gót chân chạm đất, cách bàn chân trước “lăn” trên mặt đất và hành vi nhấc chân khỏi mặt đất. Theo báo cáo nghiên cứu được công bố trên chuyên san Journal of the Royal Society Interface (Anh), các nhà nghiên cứu nhận thấy các mô hình bước chân có thể nhận dạng một cá nhân chính xác đến 99,6%, gần như dấu vân tay.
Theo Pataky, công nghệ này sẽ rất hữu
dụng trong các cuộc kiểm tra an ninh. Tuy nhiên, nó chỉ phát huy hiệu
quả trong những tình huống mà một cá nhân muốn được nhận dạng “do bất kỳ ai cũng có thể thay đổi dáng đi của mình”.
Các chuyên gia lưu ý rằng đây mới là
cuộc nghiên cứu sơ bộ những người mang chân trần. Pataky và các cộng sự
sẽ tiếp tục xem xét liệu chân mang giày có tạo ra những mô hình tương tự
hay không. “Chúng tôi đã thu thập một số dữ liệu về việc đi lại với
chân mang giày, nhưng chưa tiến hành các cuộc thử nghiệm mang tính hệ
thống”, Pataky cho biết.