Trong hơn 300 năm, cấu trúc kỳ lạ của bàn chân voi khiến nhiều thế hệ khoa học gia đau đầu vì không thể giải thích được. Các hóa thạch cho thấy mẩu xương này phát triển khoảng 40 triệu năm trước, vào thời điểm mà các thế hệ voi đời đầu trở nên to lớn hơn và chuyển sang định cư nơi đất liền. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới cho rằng nó có tác dụng hỗ trợ trọng lượng quá nặng nề của loài da dày này, theo chuyên san Science. Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư John Hutchinson của Đại học Thú y Hoàng gia (Anh) cho hay bí ẩn này xuất phát từ năm 1706, khi một nhà giải phẫu học Scotland mổ xẻ con voi đầu tiên. Nhiều người nghĩ rằng mẩu xương bí ẩn là bướu sụn lớn, và trong một thời gian dài vai trò cụ thể của khối sụn này gây nên tranh cãi trong giới khoa học. “Bất cứ người nào nghiên cứu bàn chân voi đều thắc mắc về sự tồn tại của nó. Và họ nghĩ rằng: “kỳ quặc thật”, và sau đó lại bỏ qua nó”, theo chuyên gia Hutchinson. Sau khi kết hợp nhiều phương pháp phân tích, từ quét CT, giải phẫu học, kính hiển vi electron…, nhóm của ông Hutchinson cuối cùng đã khám phá được bí ẩn trên. Theo đó, cấu trúc này được làm từ xương, dù xương có vẻ như là một sự sắp xếp cực kỳ bất thường ở một vị trí như vậy. Nhưng sau khi giám định thật kỹ lưỡng, các nhà khoa học phát hiện nó có sự tương đồng với mẩu xương ở bàn chân trước của gấu trúc. Ở trường hợp của gấu trúc, mẩu xương này không thật sự là một ngón, nhưng nó đảm nhận nhiệm vụ riêng biệt, giúp gấu trúc xé toạc cây tre/trúc, và do đó được gọi là ngón thứ 6. Chuột chũi cũng có một mẩu xương đóng giả như một ngón tay thừa, giúp chúng đào bới đất. Và với phát hiện của các chuyên gia Anh, voi có thể được liệt vào nhóm những loài không hài lòng với chỉ 5 ngón tay hoặc ngón chân. Không giống như gấu trúc hoặc chuột chũi, chỉ có ngón tay “giả” ở chi trước, voi có thêm“ngón” ở cả 4 bàn chân, giúp chúng có thể đứng thẳng được. |