Xanh- sạch từ mô hình quản lý cộng đồng
Gần 10 năm qua, gần 2 sào ruộng của ông Đặng Đại Hưởng (57 tuổi, thôn Thuận Hòa, xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới) coi như bỏ hoang, không canh tác được do đất bị nhiễm phèn nặng, ngập úng về mùa mưa, hạn hán về mùa khô. Thế nhưng, từ khi có dự án phát triển cộng đồng tại Thành phố Đồng Hới, số ruộng bỏ hoang của ông và của cả thôn Thuận Hòa đã được sử dụng hiệu quả và không còn đất bỏ hoang.
Người dân tự nguyện hiến đất

Hơn nửa thế kỷ sinh sống trong làng, ông Hưởng chỉ làm ruộng để kiếm sống. Gần 2 sào ruộng của gia đình ông trong tổng số hơn 6ha ruộng đất của cả thôn Thuận Hòa bị bỏ hoang do nhiễm chua, phèn. Từ năm 2010 đến nay, việc canh tác của gia đình ông đã thay đổi, số ruộng này đã không còn nhiễm chua phèn, không còn thiếu nước vào mùa khô, không bị úng lụt vào mùa mưa và đặc biệt đã sản xuất được 2 vụ lúa/năm, năng suất đã cao gấp đôi so với trước. “Tất cả đều nhờ dự án phát triển cộng đồng Thành phố Đồng Hới hỗ trợ xây dựng hệ thống mương, cống thoát nước và một con đường giao thông nội đồng mới được đưa vào sử dụng phục vụ tưới tiêu, thau chua, rửa phèn và việc đi lại của người dân” ông Hưởng cho biết.


Người dân trực tiếp tham gia thực hiện dự án cải thiện điều kiện thâm canh sản xuất
ông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất cho các hộ dân tại thôn Thuận Hòa,
xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Ảnh: M.C


Gia đình ông Hưởng chỉ là một trong hàng chục hộ nông dân trong thôn đang được hưởng lợi từ dự án Cải thiện điều kiện thâm canh cho sản xuất nông nghiệp và dự án Hoàn thiện đường giao thôn nội đồng. Hai tiểu dự án này do chính người dân thôn Thuận Hòa đề xuất dưới sự hỗ trợ của Quỹ sáng kiến cộng đồng xã dưới sự tài trợ từ Trung tâm phát triển cộng đồng Quảng Bình (CDC) và nguồn ngân sách địa phương.

Ông Hoàng Trung Thành, trưởng thôn Thuận Hòa cho biết, để hoàn thành được hai tiểu dự án, ngoài hỗ trợ của Quỹ sáng kiến cộng đồng, người dân trong thôn đã tự nguyện hiến 780m2  đất ruộng để làm mương và 1.800m2 đất ruộng của mình để làm đường nội đồng, góp tiền và góp nghìn ngày công lao động.
Kết quả thật bất ngờ, sau khi hoàn thành dự án, cầu cống, đường xá, kênh mương được đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Bà con yên tâm sản xuất, giao thông nội đồng đi lại thuận lợi. Hơn 6ha ruộng đất bỏ hoang hóa nay đã có cây cối xanh tươi, sản xuất được lúa 2 vụ và năng suất cao hơn nhiều lần so với trước. Nhận thức được tầm quan trọng của công trình, người dân thôn Thuận Hòa cắt cử người thường xuyên bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, điều tiết công trình cho hiệu quả.

Phát triển bền vững

Cũng nghèo giống như thôn Thuận Hòa nhưng người dân xóm Đoàn Kết 1, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình lại gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Cả xóm Đoàn Kết 1 với 53 nhân khẩu chủ yếu người dân tộc Mường nhưng không có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Bà Đặng Thị Hồng, người dân trong xóm cho biết, từ xưa tới nay, người dân trong xóm toàn phải sử dụng nước lấy từ sông. Nguồn nước này rất bẩn rất mất vệ sinh do ngấm phân trâu bò, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Mùa mưa còn có nước sử dụng nhưng đến mùa cạn thì không có cả nước bẩn mà sử dụng. Bắt buộc người dân phải lên núi cách xóm gần 2 km để gánh nước ngầm sạch từ khe núi về dùng.


Một buổi họp dân xây dựng kế hoạch thực hiện dự án cải thiện điều kiện thâm canh
sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất cho các hộ dân tại thôn Thuận Hòa,
xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) có sự tham gia của cán bộ dự án. Ảnh: M.C


Trước tình trạng đó, nhóm cộng đồng đã lập dự án “Cải thiện nước sinh hoạt cho người dân qua việc xây dựng hệ thống nước tự chảy”. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ gần 10 triệu đồng từ Trung tâm nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng Hòa Bình (RIC), người dân trong xóm tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động với tổng chi phí khoảng 15 triệu đồng để xây dựng thành công một bể lọc, một bể chứa và 1400 mét đường ống dẫn nước sạch trên khe núi về từng hộ gia đình.

“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới sẽ có nước sạch để dùng như thế này. Thế nhưng sự thật là đã gần 3 năm rồi công trình nước tự chảy vẫn cung cấp đủ nước sạch sinh hoạt cho toàn bộ các hộ gia đình trong khu dân cư. Người dân không còn thiếu nước hay phải sử dụng nước bẩn nữa” bà Hồng nói.

Giám đốc Dự án thúc đẩy mô hình quản lý cộng đồng tại Việt Nam (PCMM), bà Bùi Thị Kim cho hay, việc phát triển các mô hình quản lý cộng đồng giúp người dân biết họ cần gì và họ phải làm gì dưới sự giúp đỡ của các dự án. Mọi thông tin dự án và kinh phí thực hiện được niêm yết tại trụ sở ủy ban xã và nhà văn hóa các thôn, bản để người dân theo dõi, đóng góp ý kiến. "Người dân được tham gia, bàn bạc, quyết định và trực tiếp thực hiện mọi việc. Vì vậy đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, tiết kiệm và phát triển bền vững” bà Kim nói.

Theo bà Phan Thị Hoài, Giám đốc CDC, khi thực hiện mô hình quản lý cộng đồng, cái được lớn nhất là người dân biết cách tổ chức họp bàn, lựa chọn ưu tiên, lập kế hoạch để quản lý công việc, ngân sách một cách công khai, minh bạch từ đó mọi người tin tưởng và gần gũi nhau hơn, huy động đóng góp của dân dễ dàng hơn.

Nhiều địa phương cũng đã và đang rất thành công trong các dự án mô hình quản lý cộng đồng như dự án cải thiện vệ sinh môi trường qua việc phá bỏ nhà vệ sinh công cộng tại Nam Định, mô hình cải thiện sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em dưới 5 tuổi tại Quảng Bình, dự án cải thiện điều kiện đi lại cho người dân thông qua việc làm cầu dân sinh tại Hòa Bình…
(Nguồn: Báo Đất Việt )