Vật liệu ứng phó với biến đổi khí hậu
Thay vì sử dụng sản phẩm gạch đất sét nung trong xây dựng nên tận dụng gạch bê tông vừa tận dụng được phế liệu lại giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Phát triển vật liệu đúng hướng sẽ giải quyết được cả hai vấn đề quan trọng nhất trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đó là giảm thiểu tác hại và thích ứng với BĐKH, theo PGS.TS Phạm Hữu Hanh, Trưởng Khoa vật liệu xây dựng, Trường Đại học xây dựng.

Trong thực tế, có thể thay thế vật liệu gạch nung xây tường bằng các loại bê tông nhẹ như khí, bọt.


Hiện có nhiều công nghệ sản xuất bê tông, tạo gạch lát đường từ chất thải. Ảnh: Bích Ngọc


Theo tính toán, để sản xuất 1 tỉ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoáng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp và 150 tấn than, thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, thay vì dùng đất sét nung thì có thể có thể sử dụng phế liệu phế thải của khai thác đá để vừa tận dụng phế thải, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm diện tích đất để chứa các thải phẩm.

Một giải pháp nữa được nghiên cứu của PGS Hanh chỉ ra đó là sử dụng tro trấu, tro bay để sản xuất bê tông cường độ cao. Theo dự báo, đến năm 2020, sẽ có thêm 28 nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động. Theo đó, lượng tro xỉ thải ra hàng năm lúc đó sẽ khoảng gần 60 triệu tấn. Hiện các nhà máy đang phải sử dụng hồ để chứa tro thải này. Trong khi đó có thể sử dụng tro bay hoặc tro trấu trong sản xuất lương thực để chế tạo bê tông cường độ từ 70-90 Mpa (cường độ lực dính, sức chịu tải) với hàm lượng tro khoảng 20% thay cho xi măng. Đây là loại bê tông cơ bản để sử dụng cho nhịp cầu lớn, nhà cao tầng đang bắt đầu phổ biến tại Việt Nam.
(Nguồn: ĐVO )