Dàn máy sản xuất phân compost của VWS nhập từ Mỹ - Ảnh: Mai Vọng
Ông David Dương, Tổng giám đốc VWS cho biết, theo hợp đồng với
TP.HCM, VWS sẽ tiếp nhận rác được phân loại tại nguồn để chạy các dây
chuyền của nhà máy, bao gồm dây chuyền phân loại rác tái chế và dây
chuyền sản xuất phân compost từ rác hữu cơ. Tuy nhiên, do hiện tại
TP.HCM vẫn chưa thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn nên chưa có
lượng rác đã phân loại giao cho VWS để vận hành hai dây chuyền nói trên.
Không thể tiếp tục chờ đợi, VWS đã quyết định nhập 4 dàn máy hiện
đại, tiên tiến của Mỹ để sản xuất phân compost từ rác hỗn hợp không cần
phân loại tại nguồn. Các dàn máy này sẽ cho ra loại phân bón có chất
lượng cao, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, có thể sử dụng cho bất
kỳ loại cây trồng nào, kể cả rau cải.
Dàn máy có tên gọi Comptech trị giá gần 7 triệu USD, với những thiết
bị hoàn toàn tự động, công suất thiết kế 30 tấn phân compost/giờ. Tính
ưu việt của dây chuyền này là tiếp nhận rác hỗn hợp chưa qua phân loại,
sau đó đưa vào sấy khô, nghiền, tách kim loại, lọc ra các loại rác vô cơ
khác như túi nylon, nhựa... để còn lại hoàn toàn là rác hữu cơ; sau đó
sẽ ủ, tạo vi sinh, diệt vi khuẩn có hại... và sau 45 ngày sẽ cho ra sản
phẩm phân bón phù hợp với các loại cây trồng, bảo đảm sức khỏe cho người
tiêu dùng và bảo vệ sự tự nhiên của đất, không như phân hóa học.
Ông David Dương cho biết, VWS sẽ sản xuất phân compost chất lượng tốt
với giá cạnh tranh, để giúp cho người nông dân giảm giá thành các sản
phẩm nông sản. Dây chuyền sản xuất phân compost này sẽ thu hút khoảng
280 người lao động vào làm việc khi đi vào hoạt động 100%.
Trong thời gian đầu, VWS sẽ sản xuất 300 tấn phân mỗi ngày, sau đó
nâng dần công suất lên và đến cuối năm sẽ đưa ra thị trường với sản
lượng 1.000 tấn/ngày. Với sự xuất hiện của dàn máy sản xuất phân compost
này, lượng rác chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước
vì thế cũng sẽ được giảm bớt. Cứ mỗi tấn rác hỗn hợp đưa vào, VWS sẽ sản
xuất ra được khoảng 600 kg phân compost. 10% các loại rác khác như kim
loại, nylon sẽ được tái chế, 20% sẽ được tiêu hủy trong quá trình sản
xuất sấy khô, còn 10% rác còn lại vẫn phải chôn lấp với công nghệ hợp vệ
sinh, có hệ thống thu gom khí gas metan để sản xuất điện. Theo kế
hoạch, trong năm 2012, nhà máy phát điện có công suất 12MW, vốn đầu tư
khoảng 16 - 17 triệu USD sẽ được xây dựng. Đây sẽ là nguồn năng lượng
xanh, góp phần bảo vệ môi trường.
Dây chuyền chờ chương trình phân loại rác
Dây chuyền phân loại rác tái chế có công suất 500
tấn/ngày, trị giá khoảng 10 triệu USD vẫn chưa hoạt động vì chờ TP.HCM
triển khai việc phân loại rác tại nguồn. Nói về dây chuyền đang nằm
"trùm mền" này, ông David Dương cho biết với số vốn đầu tư như thế mà
không hoạt động thì rất lãng phí, công ty cũng bị thiệt hại về kinh tế
vì nhà máy nằm không mà vẫn phải trả lãi vay, trong khi nếu đi vào hoạt
động thì dây chuyền này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 400 - 500
người. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện được chương trình này trên
toàn TP với sự hưởng ứng của người dân, có thể sẽ mất nhiều năm. VWS
đang tìm hướng ra cho dây chuyền này có thể đi vào hoạt động trong thời
gian chờ đợi TP.HCM thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.
|