Những người thợ không ngừng sáng tạo
Trăn trở, bức xúc trước những khó khăn của công việc đã giúp người thợ luôn sáng tạo, cải tiến kỹ thuật.

“Sau tai nạn hoặc một căn bệnh, bệnh nhân không chỉ gánh chịu nỗi đau khi một phần thân thể mất đi mà còn có cả nỗi đau về tinh thần, sự mặc cảm, tự ti... Hằng ngày, chứng kiến những hoàn cảnh thương tâm ấy, tôi đã nghĩ đến việc chế tạo chân giả thủy lực cho người cụt chi trên gối và tay giả”. anh Mai Văn Trình, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, đã chia sẻ như vậy tại buổi tuyên dương do LĐLĐ quận 3 - TPHCM tổ chức mới đây trong Tháng Công nhân - Tháng Lao động giỏi.

 
Hết lòng vì những người bất hạnh
 
Là quản đốc xưởng chỉnh hình, anh Trình luôn trăn trở làm sao để bệnh nhân không còn mặc cảm, hòa nhập với cuộc sống như bao người bình thường khác. Những bệnh nhân gặp bất hạnh thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên các sản phẩm tay giả, chân giả không chỉ tiện lợi mà còn có giá thành thấp, phù hợp với người nghèo.
 
Ông Nguyễn Thành Gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ TPHCM (bìa phải), tặng bằng khen cho các lao động giỏi của quận 3
 
 
 
Sản phẩm chân giả thủy lực của anh Trình ra đời với giá sản xuất tại trung tâm chỉ 14,5 triệu đồng/chân, rẻ hơn rất nhiều so với chân giả thủy lực nhập từ Đức với giá 79 triệu đồng/chân. Đặc biệt, chân giả do anh Trình chế tạo bảo đảm người sử dụng không bị mất sức khi đi lại, khi làm việc thấy nhẹ nhàng, thoải mái và làm được nhiều việc. Trước thành công này, anh Trình tiếp tục nghiên cứu và sản xuất tay giả chức năng có thể cử động được khi vận động với yêu cầu: vật liệu dễ kiếm, sản xuất không khó khăn, đẹp, độ bền cao và dễ sử dụng. Đặc biệt, tay giả sản xuất tại trung tâm có giá chỉ 14,5 triệu đồng/tay, trong khi nếu nhập tay giả ở Anh phải mất 52 triệu đồng/tay.
 
 
“Chân, tay giả ở trung tâm không chỉ giúp bệnh nhân thuận tiện đi lại, làm việc mà còn giúp họ xóa đi những mặc cảm về sự khiếm khuyết của cơ thể. Thấy bệnh nhân vui vẻ, lạc quan, tiếp tục sống và làm việc bình thường, chúng tôi như có thêm động lực để sáng tạo” - anh Trình tâm sự.
 
Không đầu hàng khó khăn
 
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TPHCM, anh Phạm Đình Vàng về làm việc tại bộ phận kỹ thuật của xưởng sản xuất đĩa Công ty Vật phẩm Văn hóa Sài Gòn. Với lòng yêu nghề, ham học hỏi, anh Vàng luôn đi đầu trong mọi phong trào xung kích của công ty.
 
Năm 1996, công ty nhập về máy in lụa cho mặt CD-DVD của Thụy Sĩ. Qua thời gian sử dụng, do ảnh hưởng của môi trường, sự mài mòn về cơ khí trong quá trình làm việc, năm 2007, máy xảy ra sự cố làm trạm in màu trắng bị hư và theo thời gian các trạm in màu còn lại cũng có nguy cơ tương tự. Để khắc phục, công ty phải nhập thiết bị thay thế từ Thụy Sĩ với giá 130 triệu đồng nhưng phải chờ rất lâu mới có hàng vì các thiết bị này đã ngưng sản xuất. Trước tình hình đó, anh Vàng kể: “Với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường băng đĩa trong nước, việc giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng tiến độ là tiêu chí hàng đầu của công ty. Trước tình hình này, là một kỹ sư, bằng mọi cách tôi phải khắc phục sự cố”.
 
Kết quả là anh đã nghiên cứu, thực hiện thành công công trình “Thiết kế quy trình in mặt CD-VCD cho 5 trạm màu: trắng, xanh, vàng, đỏ, đen” làm lợi trên 500 triệu đồng. Đặc biệt, giải pháp mới còn tiết kiệm điện năng tiêu thụ, giảm thời gian ngưng máy, giảm chi phí sản xuất và bảo đảm tính bảo mật, bản quyền... Không chỉ vậy, anh còn thực hiện công trình tích hợp bộ điều khiển đèn UV thay thế cho bộ điều khiển đèn điện tử đắt tiền và kén bóng, làm lợi 100 triệu đồng. “Từ trong công việc hằng ngày, tôi luôn suy nghĩ, tìm tòi để công việc hoàn thành tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Làm lợi cho công ty cũng nhằm ổn định việc làm, đời sống cho bản thân mình” - anh Vàng nói.
 
(Nguồn: Theo ytuong.com )