Cậu học trò quê say mê sáng tạo
Sau ba tháng tìm kiếm vật liệu, mày mò chế tạo, mô hình của cậu học trò quê say mê sáng tạo đã được hoàn thiện, em đem ra thử nghiệm thành công, rồi em đưa đi dự thi.
Em Lê Huy Nam, ở xã Hoằng Quang, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bên chiếc máy cho cá ăn tự động

Đó là mô hình "Máy cho cá ăn tự động" của em Lê Huy Nam- học sinh lớp 10B10, trường THPT Hoằng Hóa 4, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vừa đoạt giải ba tại cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên- Nhi đồng toàn quốc lần thứ VI năm 2010", do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Bộ Khoa học- Công nghệ và Bộ GD- ĐT phối hợp tổ chức. Em Nam cũng vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa- Trịnh Văn Chiến tặng bằng khen về giải thưởng này.

Chia sẻ với chúng tôi về niềm vui đoạt giải ba cuộc thi nêu trên, cậu học trò quê Lê Huy Nam hồ hởi tâm sự: "Em sinh ra và lớn lên ở xã Hoằng Quang - một xã chuyên làm nông nghiệp của huyện Hoằng Hóa. Ngoài công việc đồng áng, gia đình em và nhiều gia đình khác ở quê đều đào ao thả cá, nuôi cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Nhiều gia đình có diện tích ao lớn, người nuôi cá mỗi khi cho cá ăn thường cho rất nhiều thức ăn xuống nước, vì sợ cá không đủ thức ăn. Vừa mất thời gian, công sức vừa gây ra tình trạng lãng phí thức ăn dư thừa. Xuất phát từ những lý do trên, để tiết kiệm thời gian và tránh lãng phí thức ăn cho cá, em bắt tay vào làm mô hình “Máy cho cá ăn tự động”. Sau ba tháng tìm kiếm vật liệu, mày mò chế tạo, mô hình của em đã được hoàn thiện, đem ra thử nghiệm thành công, rồi em đưa đi dự thi."

Chiếc máy cho cá ăn tự động của em Nam gồm các bộ phận: Bộ nguồn, mô tơ, bộ đếm thời gian, bộ cần câu, nắp thùng chứa thức ăn, giá đỡ thức ăn, thùng chứa thức ăn... 

Nguyên lý hoạt động của chiếc máy này là: Đặt máy ở nơi thuận tiện nhất trên bờ ao. Sau đó cắm dây nguồn vào động cơ và đóng cầu dao điện. Đổ đầy thức ăn cho cá vào thùng chứa, khi cá đói nó sẽ giật cần câu làm chạm công tắc điện của chiếc máy. Từ đó, chiếc máy sẽ bắt đầu hoạt động, lập tức sẽ có một lượng thức ăn rơi xuống nước trong khoảng từ 4 đến 6 giây. Cứ như vậy, chiếc máy sẽ hoạt động và thức ăn rơi đều đặn xuống mặt ao cho cá ăn. Nhờ loại máy này mà cá có thể ăn suốt ngày, đêm nếu lúc nào chúng đói. Do thời gian cố định chạy từ 4 đến 6 giây nên thức ăn dạng viên, bột chỉ rơi xuống từ 15 đến 20 viên, thức ăn chưa kịp tan tỏa đã được cá đớp ăn nên không làm nước trong ao bị nhiễm bẩn. Căn cứ vào lượng thức ăn trong máy bị tiêu hao nhiều hay ít có thể biết được tình hình sinh trưởng của cá nuôi.
 

Em Lê Huy Nam, ở xã Hoằng Quang, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bên phần thưởng của mình

Theo em Nam, tính mới của chiếc máy cho cá ăn tự động là lâu nay người nông dân thông thường chỉ cho cá ăn bằng hình thức đơn giản- dùng tay để bốc thức ăn ném xuống ao cho cá. Như vậy vừa mất thời gian, công sức mà lượng thức ăn rơi xuống thường dư thừa gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, lãng phí thức ăn. Dùng chiếc máy cho cá ăn tự động tiết kiệm được thời gian, công sức của người lao động. Mặt khác, lượng thức ăn cho cá sẽ giảm tiêu tốn dư thừa khoảng 20%, vừa đảm bảo chế độ không khí trong ao, vừa giúp tăng sinh trưởng cho cá đúng khoa học. 

Được biết, theo đánh giá của ban giám khảo cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên- Nhi đồng toàn quốc lần thứ VI năm 2010". Chiếc máy cho cá ăn tự động của em Lê Huy Nam có khả năng áp dụng trong thực tế rất cao. Một trong những tính ưu việt của chiếc máy này là tiết kiệm thời gian, công sức cho những người nuôi cá. Mặt khác, chi phí để chế tạo một chiếc máy này lại khá rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của người nông dân ở vùng quê. 

Em Nam tâm sự: "Em sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn bà con nông dân làm chiếc máy cho cá ăn tự động, để có thể ứng dụng máy này trong hoạt động chăn nuôi cá tại ao hồ, trang trại nuôi tôm của bà con. Năm 2011 này, em cũng đang có một số ý tưởng chế tạo mô hình rô bốt giúp người khuyết tật, hoặc máy bóc vỏ tôm tự động để gửi đi dự thi cuộc thi nêu trên".

Chia tay với cậu học trò quê say mê sáng tạo này, chúng tôi chúc em Lê Huy Nam sẽ đoạt giải cao tại cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên- Nhi đồng toàn quốc lần thứ VII năm 2011" và gặt hái được nhiều thành công trong học tập, rèn luyện.
(Nguồn: Theo Tầm nhìn )