|
Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Giám đốc Công ty Sản xuất Bánh phở Hai Thiền. |
Những màu xanh của rau cải, cam của gấc, nâu của gạo lứt hay vàng của bí đỏ cùng nhiều màu sắc khác sẽ làm cho bánh phở không còn chung thủy một màu trắng nữa; sản phẩm này sẽ làm cho món ăn nổi tiếng của Việt Nam thêm phần độc đáo, bắt mắt.
Ý tưởng trên của chị Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Giám đốc Công ty Sản xuất Bánh phở Hai Thiền, đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận “Người đầu tiên tạo màu sắc hoàn toàn từ rau củ cho bánh phở” vào ngày 18.12 vừa qua tại TP.HCM.
Trò chuyện với chúng tôi chị kể năm 2009, một lần xem NCĐT thấy dòng tít lớn Sức Mạnh Của Sự Khác Nhau nổi bật ngay trang bìa, cộng với khát khao học hỏi cái mới và niềm yêu thích sự khác biệt lâu nay, chị đã liên tưởng ngay đến việc sáng tạo ra màu sắc mới cho bánh phở. Bởi lúc đó, Công ty của chị đang sở hữu loại bột làm bánh phở tươi, hoàn toàn không chứa chất bảo quản và thời hạn sử dụng đến 12 tháng. Thành công trong sáng tạo bánh phở mang màu sắc rau củ chính là một bước tiến mới của Hai Thiền.
Điều khiến chị tâm đắc nhất là dù không có chất tạo dai nhưng bột của Hai Thiền vẫn làm ra được những cọng bánh phở dai và mềm mại, không để lại vị chua, không gãy khi nấu mà phải “cắn mới đứt”. Hơn nữa, các màu sắc mới được chiết xuất 100% từ rau củ tự nhiên nhưng khi đem nấu thành món phở, ăn vào không hề thấy vị trái cây lấn át vị truyền thống của phở.
Việc này là không hề dễ. Bình thường, nếu không có chất bảo quản, bánh phở rất dễ gãy. Mày mò tìm hiểu, chị phát hiện nguyên nhân là máy sấy bột cho ra sản phẩm không đồng đều. Phải mất 1 năm sau đó chị mới chế tạo ra chiếc máy như ý, lại có thể làm được các sản phẩm khác từ bột như bánh hỏi, bánh ướt, bánh tráng.
Và nhờ có bột sẵn nên quy trình làm ra bánh phở rất gọn, chỉ mất ít phút (bình thường quá trình làm bánh phở phải mất 5 ngày với các công đoạn vo gạo - làm sạch - ngâm nước - xay - ngâm - tráng - làm nguội - thoa dầu - cắt thành sợi). Hiện nay, máy làm bánh phở Hai Thiền có công suất 50-75 kg bánh mỗi giờ. Không chỉ dễ vận hành (một người bình thường mất khoảng 10 phút học việc là làm được), máy còn có thể tiếp nhận nhiều loại nguyên liệu để vận hành như gas, điện, than, củi, mạt cưa, trấu.
Tuy nhiên, do bột và máy làm bánh phở của Hai Thiền đạt tiêu chuẩn quốc tế của Mỹ và Na Uy nên được bán với giá bán khá cao. Ví dụ, 1 kg bột phở có giá 1 USD (22.000 đồng) làm ra khoảng 2,2-2,5 kg bánh phở, khi đó 1 kg bánh phở có giá khoảng 11.000 đồng/kg, cao hơn so với giá bánh phở ngoài thị trường đang là 7.000-8.000 đồng. Vì vậy, mục tiêu của chị Nguyên là nhắm đến thị trường nước ngoài, nhất là những nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống. Hai Thiền đã ký được hợp đồng phân phối độc quyền bột bánh phở tại Hawaii (Mỹ) và Na Uy.
Và câu “Ở đâu có người Việt, ở đó có Hai Thiền” cũng chính là mục tiêu của Công ty. Chị Nguyên bảo, Hai Thiền không chỉ đưa bột, bánh phở Việt Nam xuất ngoại mà còn mang nỗi nhớ quê nhà đến cho người Việt trên khắp thế giới.