|
Công nghệ sấy gỗ của ông Lâm Trọng Sơn, Giám đốc Gosaco đã được Cục Sở hữu Trí tuệ tiếp nhận hồ sơ cấp bằng độc quyền về giải pháp hữu ích. |
Cây điều khi khả năng cho quả kém thì thường bị bỏ đi do thân cây nhỏ, gỗ lại mềm, xốp, các thớ gỗ không đều mà rất cong, thậm chí không thể dùng làm than củi. Thế nhưng, ông Lâm Trọng Sơn, Giám đốc Công ty Gỗ Gosaco (TP.HCM) chuyên làm ván bằng gỗ ghép gần 10 năm nay, đã biến gỗ điều phế phẩm thành sản phẩm có giá trị cao.
Ban đầu, ông Sơn mày mò chế tạo công nghệ sấy, ghép các loại gỗ tạp (phần thân, cành cây nhỏ bị bỏ đi) thành gỗ tốt. Sau 3 năm (kể từ năm 2005), qua nhiều lần thử nghiệm, công nghệ sấy thành công khiến ông liên tưởng đến việc tận dụng thân cây điều, cũng là một loại phế phẩm gỗ để chế biến thành gỗ có giá trị.
Theo phân tích của ông Sơn, quy trình biến gỗ điều thành gỗ chất lượng cao không quá phức tạp, trong khi chất lượng của loại sản phẩm gỗ ép này không thua kém các loại gỗ tẩm sấy khác. Thậm chí, giá qua tính toán của ông còn có thể rẻ hơn tới 50%.
Ngoài ra, “Cách chế biến gỗ này có thể vừa giúp hạn chế nạn khai thác rừng trái phép, vừa giảm ô nhiễm môi trường và hạn chế nhập khẩu lâm sản”, ông nói thêm. Và vì Gosaco đã làm hồ sơ gửi lên Cục Sở hữu Trí tuệ xin cấp bằng độc quyền về giải pháp hữu ích vào ngày 7.12.2010 cho nên hiện nay Công ty chưa thể công bố thông tin chi tiết về công nghệ này.
Hiện nay, nhu cầu về gỗ vẫn tăng do nhu cầu nhà ở lẫn các công trình xây dựng khác không hề giảm, mà nếu sử dụng gỗ tốt thì chi phí càng cao. Hơn nữa, điều này có thể gây mất cân đối vì trong khi nhu cầu lớn thì nguyên liệu đầu vào lại thiếu. Theo ông Sơn, nhu cầu gỗ năm 2010 tăng gấp 3 lần so với năm 2009, đặc biệt 2 tháng cuối năm 2010 là mùa cao điểm về nội thất và công ty ông không có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Trong năm 2010, Gosaco đã bán sản phẩm này và thu về 100 tỉ đồng. Nhưng theo ông Sơn, nếu có thêm sản phẩm thì Công ty vẫn bán hết với doanh số thu về vào khoảng 130-140 tỉ đồng. Đây cũng kế hoạch doanh số của Gosaco trong năm 2011.
Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch này không hề đơn giản do doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước khó chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu, mặc dù Việt Nam hiện là nước xuất khẩu điều lớn thứ 2 thế giới.
Thống kê của Hiệp hội Điều cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 400.000 ha cây điều, tập trung ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Tuy diện tích lớn nhưng điều lại chủ yếu được trồng để lấy nhân chứ không phải lấy gỗ. Thân cây điều chỉ được chặt bỏ khi đã cằn cỗi, khả năng cho quả kém.
Vì vậy, ông Sơn cho biết Công ty Gosaco đang tiến hành nghiên cứu thêm các loại gỗ khác có thể thay thế gỗ cây điều, nhằm chủ động hơn về nguồn nguyên liệu chế biến. Ngoài ra, Gosaco còn xúc tiến ký kết hợp đồng thu mua thân cây điều từ một số quốc gia có trữ lượng điều lớn, ví dụ như Ấn Độ