Rời thành phố Biên Hòa, năm 1993 anh Thắng theo gia đình về thị trấn Gia Ray lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông anh Thắng quyết định không thi vào đại học mà đi học nghề để kế tục sự nghiệp của ba, đó là mở xưởng sửa chữa cơ khí. Công việc chính của xưởng anh là sửa chữa các loại máy cày và mua các loại máy móc khác về lắp ráp như: máy xay tiêu, máy làm bánh bông lan. Là một người ham học hỏi, say mê sáng chế máy móc, và cũng từ những nhu cầu hàng ngày trong đời sống buộc anh Thắng luôn trăn trở suy nghĩ làm sao chế tạo ra chiếc máy vặt hạt điều để giảm bớt sức lao động cho bà con nông dân. Đây cũng là nhu cầu của người dân trồng điều vì hiện nay họ rất khó khăn trong việc thuê nhân công. Năm 2005, anh Lê Đức Thắng đã bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy vặt hạt điều đầu tiên. Tuy tìm ra nguyên lý hoạt động của máy nhưng quá trình thực hiện cũng tốn rất nhiều thời gian bởi vì các công đoạn của máy đều được làm bằng phương pháp thủ công nên mỗi năm anh lại cải tiến, chỉnh sửa hoặc thay đổi một số chi tiết để máy đạt hiệu quả cao. Những năm đầu hiệu quả mà máy mang lại chưa cao chỉ đạt 80 đến 85% nhưng qua nhiều lần nghiên cứu, rút kinh nghiệm đến nay chiếc máy vặt hạt điều do anh Thắng chế tạo đạt độ chính xác gần như tuyệt đối. Sau khi hạt điều được tách khỏi trái, sẽ qua hệ thống trục xoắn để làm sạch cuống trái còn sót lại, nên độ sạch đạt 100% mà không bị giập hạt. Trọng lượng máy nặng khoảng 45 kg, cao trên 1 mét với các bộ phận như khung máy, máng đựng trục xoắn, máng che hai bên và hệ thống lô vặt. Máy có thể chạy bằng máy nổ hoặc mô tơ điện nên rất tiện dụng. Công suất hoạt động của máy khoảng 1 tấn/giờ, gấp 25 đến 30 lần so với vặt bằng tay, việc vận hành máy rất đơn giản chỉ cần 1 đến 2 người. Giá thành khoảng 7 triệu đồng mỗi máy. Đến nay anh Thắng đã chế tạo thành công và bán ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 27 chiếc máy vặt hạt điều. Hiện nay anh Thắng đang nhận một số đơn đặt hàng từ các tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận và Phú Yên… |