| Kỹ sư Võ Hồng Lân bên tác phẩm Phá sản |
Cú sốc tuổi 25
Là một đứa con có sở thích và năng khiếu khác hẳn với các anh chị trong nhà, Võ Hồng Lân có một tuổi thơ hết sức hồn nhiên và bình dị. Như bao thanh niên khác, anh bắt đầu xây dựng tương lai của mình từ giảng đường khoa cơ khí chế tạo Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Tuy nhiên, khi ngày thi tốt nghiệp đến gần, anh sinh viên trợ giảng này lại là người gây sốc khi quyết định rời trường cùng các giảng viên bị giảm biên chế ngày đó. “Tôi muốn ra ngoài tiếp xúc thực tế để làm nên những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống” - anh cho biết lý do. Không bằng tốt nghiệp, nhưng khi trở lại vùng quê Bà Rịa, anh có khả năng làm việc cho từ 2 đến 3 cơ sở cùng một lúc. Anh kể, đời sống khi ấy còn khó khăn, cơ sở nào cũng cần dụng cụ lao động nên anh luôn ở trong tình trạng làm việc cật lực. Vừa làm, vừa mày mò chế tạo các loại máy móc nhưng những công trình của anh lại vấp phải khó khăn cực lớn: nguồn điện. Không có điện để chạy thử, các sản phẩm của anh đều phải xếp xó.
Không chấp nhận cảnh nằm nhà ăn bám cha mẹ, Võ Hồng Lân đi làm phục vụ tại các cửa hàng ăn uống. Khả năng sáng tạo đã giúp anh có những bước tiến dài trong ngành dịch vụ ăn uống này. Chẳng mấy chốc, anh trở thành đầu bếp nổi tiếng ở tỉnh nhà. Gom hết số tiền đã dành dụm được, anh mở cửa hàng ăn. Vận may mỉm cười với anh, lần lượt 2 rồi đến 3 cửa hàng mang tên Thuận Kiều của anh đều đông khách. Lúc này, anh mới có dịp dùng đến khả năng chế tạo máy của mình khi một tay thiết kế, lắp đặt hệ thống lên men và cung cấp bia hơi cho thực khách. Khi vựa bia của anh đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân Bà Rịa thì cũng là lúc anh đối mặt với sự cố vỡ nợ dây chuyền năm 1991.
Hàng loạt các chủ đại lý bia bỏ trốn mang theo cả máy móc do anh cung cấp đã khiến anh hoàn toàn bế tắc. Đã vậy, trên đường đi gom nợ về, anh lại gặp phải cướp. Ngoài việc bị lấy tất cả tiền bạc, cú va đập quá mạnh vào đầu đã khiến anh trở thành người mất trí. Người vợ trẻ không chịu nổi cú sốc quá lớn, ẵm theo đứa con trai đầu lòng bỏ đi. Tuổi 25 của anh đi qua trong màn đêm mịt mùng.
Tìm lại tuổi thơ
Nhớ lại quãng ngày khốn khổ của đời mình, Võ Hồng Lân không khỏi ngậm ngùi: “Lang thang với cái đầu rỗng tuếch, tôi chẳng biết quá khứ lẫn tương lai, cứ tưởng mình sẽ mãi trở thành người vô dụng”. Theo chân mẹ đến chùa học các sư thiền tịnh, anh lấy lại được niềm tin nhưng tri thức thì vẫn mất trắng. May thay, có cô cháu nhỏ của anh đến tuổi bước vào lớp một, cả ngày ê a đánh vần những con chữ vỡ lòng. Nghe cháu ghép vần, anh cũng lẩm nhẩm đọc theo rồi dần dần nhớ lại. Tròm trèm 30 tuổi, anh mới bắt đầu mua sách giáo khoa lớp 1 về cặm cụi học. Khi đã đọc thông thạo chữ viết, anh tiếp xúc lại với các tài liệu đã học rồi dần dần lấy lại được tri thức của mình. Anh không giấu cảm xúc: “Tôi mất hơn 3 năm vật lộn với ký ức, để khôi phục lại “bộ nhớ”, nghĩ lại vẫn thấy ngại”. Biết mình chưa đủ trình độ, anh quyết định đi học thêm tiếng Anh. Trên chiếc xe đạp tự chế, ngộ nghĩnh có cánh buồm, người dân Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thấy anh đi, về mỗi ngày.
Suốt những chuỗi ngày lang thang, những đồ vật nhặt nhạnh được, anh gom lại, cắt sửa và... ghép thành tranh. Nhờ khéo tay, những bức tranh ngộ nghĩnh của anh được vài người chú ý và đặt mua. “Nhờ thế tôi không phải là người ăn bám nữa”- anh đùa. Vừa ghép tranh, anh vừa tẩn mẩn học thêm điêu khắc để các tác phẩm của mình phong phú hơn. Nhìn lại các nghề mà mình đã trải qua, anh không khỏi tự hào: “Hình như tôi có trong tay đến 30 nghề khác nhau”. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, câu nói của người xưa với anh có vẻ không đúng nhưng anh vẫn hết sức tự tin. “Một kỹ sư phải biết nhiều nghề, nhiều lĩnh vực và phải am hiểu cả nghệ thuật nữa”.
Mũ bảo hiểm từ rác thải
Nuôi được bản thân và gia đình, “máu” sáng chế lại lôi anh vào những công trình nghiên cứu. Những sản phẩm từ sáng chế của anh như nôi tự động, hệ thống khóa điện tử chống trộm... đã có mặt và được đón nhận trên sàn giao dịch ý tưởng.
Nhà gần Khu Công nghiệp Tên Lửa (Bà Rịa), chứng kiến những đống mousse xốp thải từ những dây chuyền sản xuất giày dép, đốt hay chôn gì cũng đều có hại cho môi trường, anh đem chúng xay, trộn và ép keo, khử mùi để trở thành ruột của chiếc mũ bảo hiểm. Anh cho biết: “Tận dụng rác thải nên sản phẩm có giá chỉ 8.000 đồng”. Cả dây chuyền sản xuất, anh tự thiết kế và làm nên cả giá thành phẩm mới thấp như vậy. Không dừng lại ở đó, ở các thiết kế khác, anh tăng thêm tính năng đèn pha, kính chiếu hậu, kết nối với điện thoại, sóng radio... cho phù hợp với giới trẻ. Anh tự nhủ, nhu cầu của giới trẻ ngày nay đa dạng lắm, phải cho chúng thích thú với những vật dụng gắn liền với đời sống của mình nên ngoài các tính năng, anh còn dự định trang trí mũ bảo hiểm hiện đại ấy bằng hoa khô hay các họa tiết trang trí mỹ thuật.
“Chuyện đời tư của tôi rắc rối lắm!” - anh nhận xét về những biến cố của đời mình như vậy. Vậy mà, với chừng ấy “rắc rối”, anh vẫn vô tư nhìn ngắm cuộc sống với đôi mắt yêu thương. Mỗi lần bạn bè trong CLB Mỹ thuật Gia Định kêu gọi đi làm từ thiện, anh là một trong số những thành viên tham gia hăng hái nhất. Bước qua tuổi 40, với biệt tài của mình, anh vẫn đang ấp ủ một dự án nghiên cứu, kết hợp các thiết bị điện tử và hội họa để cho ra đời các bức tranh cảm ứng với thời tiết. “Nếu dự án này thành công, mỗi bức tranh sẽ là một cửa sổ để người trong nhà biết được thời tiết bên ngoài” - anh tự tin nói về kế hoạch của mình như vậy. |