Quỹ từ thiện đặc biệt này đã ra mắt sáng nay (28.8) tại TP.HCM. Sự kiện “Quỹ Hoàn Lương” đã được dư luận chú ý ngay khi có thông tin việc xúc tiến thành lập. Không chỉ vì cái tên đặc biệt của nó mà còn là việc tham gia sáng lập, vận động đằng sau của hai nhân vật “hot” của Việt Nam một thời là các ông Liên Khui Thìn và Lê Minh Hải. Số phận của hai doanh nhân nổi tiếng thành đạt một thời này tưởng chừng đã vào ngõ cụt sau khi tòa án tuyên họ cùng mức án tử hình. Epco-Minh Phụng là công ty liên doanh của TP.HCM từng nổi đình nổi đám một thời về nhiều nghĩa. Bất ngờ, vụ án nổ ra lần lượt những đại gia có tiếng và cán bộ ngành ngân hàng phải vào tù vì những sai phạm trong quản lý tài chính, vi phạm các quản lý nhà nước, như Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Tuấn Phúc... Trong vụ án này, tòa án đã tuyên ông Liên Khui Thìn (Giám đốc công ty Epco, một doanh nghiệp nhà nước của UBND quận 3, TP.HCM), bị án tử hình về tội lừa đảo. Còn ông Phúc (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty) cũng bị mức án tử hình về đưa hối lộ. Vụ án nói trên xét về hậu quả đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho Nhà nước, với số tài sản, tiền phải thi hành án hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng tới nay còn khoảng 3.000 tỷ chưa thi hành được. Cụ thể, cả hai công ty Epco và Minh Phụng phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 ngân hàng gồm: Ngân hàng ông thương Việt Nam (Incombank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Sài Gòn Công thương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định, tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD. Bên cạnh đó, số tài sản phải xử lý để bảo đảm thi hành án cũng đứng hàng "top" với trên 390 danh mục gồm 476 đơn vị tài sản là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc, kho tàng, văn phòng, biệt thự… khối tài sản này tòa án xác định tại thời điểm xét xử trị giá trên 2.232 tỷ đồng.
Ông Liên Khui Thìn – Giám đốc Quỹ Hoàn Lương Ông Thìn nhớ lại, khi nghe tòa đọc bản án, ông như muốn khuỵu xuống. Khi ấy ông có cảm tưởng là Hội đồng xét xử chưa hiểu hết vấn đề vì ông không tham ô, không dùng tiền Nhà nước để ăn chơi trác táng và không tư lợi cá nhân. Suốt 5 năm nằm trong phòng giam dành riêng cho những phạm nhân mang án tử, cứ mỗi mờ sáng, nghe tiếng mở cửa, ông biết có người nào đó hôm nay “đi” (đưa ra trường xử bắn – PV), và ông luôn có câu hỏi trong đầu, bao giờ sẽ đến lượt mình. Sự căng thẳng ấy dần dần đã biến thành cơn bệnh trong ông – bệnh suy tim, cao huyết áp và tiểu đường tuýp 2. Do chấp hành án phạt tốt, Chủ tịch nước đã chấp nhận đơn xin ân giảm án tử hình xuống tù chung thân của ông Thìn cùng ông Phúc. Sau 12 năm thụ án ở trại giam Xuân Lộc (Long Khánh – Đồng Nai), đầu năm 2008, do cải tạo tốt, góp nhiều công sức trong việc xây dựng môi trường trại giam và tích cực thi hành án dân sự nên ông Thìn được xét giảm án xuống còn 20 năm. Và, một ngày đặc biệt đã đến, sáng ngày 1.9.2009, tại bệnh viện Triều An (quận Bình Tân, TP.HCM), tổ công tác đặc biệt của trại giam Xuân Lộc đã xuất hiện ngay giường bệnh của cựu tử tù công bố quyết định đặc xá cho ông. Như vậy trong vụ án có những kỷ lục về giá trị tài sản thiệt hại và giá trị phải thi hành án dân sự, có đến 4 án tử hình, thì chỉ có hai ông Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng là phải thi hành sau nhiều năm có hiệu lực. Ông Thìn bồi hồi kể tiếp, hôm nghe ban giám thị trại giam Chí Hòa thông báo là Chủ tịch nước đã chấp thuận giảm án lần đầu tiên cho ông, từ tử hình xuống còn tù chung thân thì ông như được sinh ra lần thứ hai. “Ngay lúc ấy, tôi hiểu là mình sẽ sống và tôi đã nghĩ ngay đến những việc mình cần phải làm” - ông Thìn nói. Song, trong giây phút ấy ông cũng ngậm ngùi khi nhớ đến Tăng Minh Phụng. Đó là rạng sáng ngày 11.7.2003, thời điểm mà tiếng khóa lách cách buồng giam của ông Phụng vang lên, để dẫn giải phạm nhân này ra pháp trường thi hành án. “Tôi đoán anh Phụng đã bị dẫn giải “đi”. Tự nhiên đầu óc tôi căng như dây đàn. Tôi nghe ngóng và hoảng sợ. Tôi đợi, đợi mãi không thấy cán bộ quản giáo quay lại buồng mình. Thế là lại khắc khoải, lại sợ tiếng ổ khóa lách cách… Nhưng cũng chính trong những giờ phút bi kịch nhất của cuộc đời, một niềm tin vào chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong tôi bỗng lóe lên. Niềm tin ấy, cuối cùng được đền đáp. Hai tháng sau, ngày 8.9.2003, cán bộ quản giáo mở cửa buồng giam của tôi, sau đó dẫn đến một buồng giam khác. Lúc này tôi biết, lá đơn xin ân xá của tôi đã được Chủ tịch nước chấp thuận” – ông Thìn nói. Vì thế, sau khi được tự do, rồi ra khỏi bệnh viện, ông Thìn đã gặp lại một số thân hữu, trong đó có luật sư Trần Văn Tạo, để bàn về việc thành lập một tổ chức xã hội từ thiện, mang tên “Quỹ hoàn lương”. Ban đầu, dự kiến vốn quỹ là khoảng 600 triệu đồng, do những người sáng lập là luật sư Trần Văn Tạo cùng các ông Liên Khui Thìn, Lê Thanh Bình, Lê Minh Hải, Nguyễn Văn Liêm tự nguyện đóng góp. Nói về phần tiền nhỏ mình đóng góp, ông Thìn cười tươi: “Bất cứ việc gì, nếu phù hợp với lợi ích cộng đồng thì sẽ luôn nhận được ủng hộ. Bạn bè tôi khi biết tôi làm Quỹ Hoàn Lương, mỗi người cho tôi một ít”. Cần nói thêm, ngoài nhóm sáng lập nói trên, hiện tại Quỹ này đã nhận được sự hỗ trợ của hơn 30 người khác - trong đó có cả những người đã từng... ở tù, nhưng nay rất thành đạt và họ sẵn sàng tiếp nhận người mãn hạn tù vào học nghề, làm việc trong doanh nghiệp của họ mỗi khi quỹ giới thiệu.
Ông Lê Minh Hải Nói sang nhân vật sáng lập thứ hai cũng là cựu tử tù - ông Lê Minh Hải. Không chỉ “nổi danh” trong vụ án Tamexco của Phạm Huy Phước (đã thi hành án tử hình), nhân vật này còn được biết đến bởi biệt danh trong phim Biệt động Sài Gòn, Robert Hải. Robert Hải có số phận vào tù ra khám thuộc loại quái chiêu. Một đêm khuya năm 1978, ông bị công an bắt lầm khi đang đi tàu Vàm Cỏ 22 nhưng nhanh chóng được thả ra sau 15 tiếng đồng hồ bị giam giữ. Đến năm 1982, ông buộc phải chịu liên đới trách nhiệm trong vụ cháy tàu Định An 20. Viên quản trị trưởng tàu này bỗng nhiên bị điên nên đốt tàu. Ở cương vị máy trưởng, ông Hải là người cuối cùng rời buồng máy trong bộ đồ chống cháy nhưng vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm trước cái chết và bị thương của một số thủy thủ, nên phải đi tù sáu tháng. Lần thứ ba, do bán đất cho Phạm Huy Phước, ông bị kết án tử hình. Chính cha ông là ông Lê Minh Đức, Anh hùng lao động, đã viết đơn lên Chủ tịch nước xin chết thay con, bên cạnh đó là hơn 300 chữ ký của cán bộ, công nhân viên Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn (nơi trước đây Lê Minh Hải làm giám đốc). Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định giảm hình phạt cho Lê Minh Hải từ tử hình xuống án chung thân. Mười năm ở trong trại giam, Robert Hải trong trang phục tù nhân, chỉ biết miệt mài lao động với nỗ lực cao nhất. Ông cũng có nhiều thành tích và phát kiến đáng nể như ông Thìn. Thu hoạch vài tấn cá mỗi năm, gây dựng đàn đà điểu hơn 50 con, san ủi hàng trăm hécta rừng trồng bí đỏ... Đó là thành quả lao động của Robert Hải, khiến tập thể quản giáo và những bạn tù khác khâm phục. Nhiều người quen cũ vẫn bùi ngùi nhắc lại về những xe cá đầy tình nghĩa từ trại giam ông gửi về cho bạn bè, người thân, cán bộ công nhân viên nhà máy vào mỗi dịp Tết đến. Lúc nào cũng vậy, ngay cả khi ở trong tù, Lê Minh Hải vẫn có ích cho cộng đồng. Cũng như ông Thìn, kết quả tích cực chấp hành án phạt tù đã đưa ông trở lại cuộc đời tự do bằng quyết định ân xá của Chủ tịch nước. Tham dự lễ ra mắt Quỹ Hoàn Lương có Thiếu tướng Hồ Thanh Đình – Tổng Cục Phó Tổng cục Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp – Bộ CA Ông nói: “Mọi thứ trên đời làm nhanh đều tốt nhưng có hai việc cần làm chậm, đó là yêu và ăn uống, nhưng tôi không có thời gian làm hai việc đó vì thời gian được sống ở đời là vô cùng quý giá. Tôi đã đối diện với cái chết nên yêu quý tự do và thời gian hơn bất cứ ai trên cõi đời này. Tôi là Hải Robert, kẻ tử tù trở thành người lữ hành kỳ dị để tìm lại một đồng danh dự”. Và, giờ danh dự ấy ông không chỉ đem lại cho mỗi ông mà cho nhiều người bạn tù đồng cảnh ngộ khác khi được trả tự do. Đó chính là yếu tố ông cùng tham gia sáng lập Quỹ Hoàn Lương.
Luật sư Trần Văn Tạo – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hoàn Lương
Tham gia sự kiện đặc biệt này có đông đảo giới luật sư, hoạt động tư pháp, doanh nghiệp Quỹ Hoàn Lương được UBND TP.HCM chấp thuận thành lập. Luật sư Trần Văn Tạo (nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Thành ủy – nay là Ban Tuyên giáo, Phó giám đốc CA TP.HCM) làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ. Ông Liên Khui Thìn – Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc Quỹ. Theo đó, Quỹ Hoàn Lương hoạt động trên nguyên tắc phi lợi nhuận, tự tạo vốn, vận động tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước. Hoạt động của quỹ sẽ theo các chức năng: nghiên cứu phát triển, tư vấn hỗ trợ pháp lý (làm lại giấy CMND, hộ khẩu, thi hành án dân sự...), tư vấn việc làm (bao gồm dạy nghề, định hướng và giới thiệu việc làm). Ông Liên Khui Thìn cho biết: “Sự ra đời của Quỹ xuất phát từ tâm tư nguyện vọng của đa số anh em khi sắp hết thời gian cải tạo, giam giữ. Họ sẽ làm gì? Sự tiếp nhận của xã hội, gia đình... ra sao? Nếu có một tổ chức đồng hành với họ trong thời gian khó khăn này để chia sẻ, giúp họ vượt qua mặc cảm tự ti, quyết tâm hoàn lương là rất hữu ích. Được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, các nhà hảo tâm, đến nay quỹ đã chính thức ra đời”. |
|