Phóng viên robot trong tương lai?
Ở thời đại công nghệ số như hiện nay, báo chí rồi cũng sẽ tự động hóa và robot GUARBOT đang "nỗ lực" để trở thành một nhà báo thực thụ?

Tờ Guardian của Anh cho rằng việc rà soát những email, chọn lọc ra thông tin đắt giá phục vụ bạn đọc thật sự là một công việc nhàm chán, gây lãng phí nguồn nhân lực, đặc biệt nếu bài viết chỉ đơn thuần là sự kiện và con số. Liệu có nên chuyển việc này cho máy tính để phóng viên đầu tư nhiều hơn vào các bài báo mang tính điều tra và phân tích?

Nhà phát triển Will Franklin của Guardia hiện đang nghiên cứu robot GUARBOT đúng "chuẩn" phóng viên. Ông sử dụng hệ thống Content API của Guardian lọc ra các nhóm từ, trợ động từ và mẫu câu thông dụng dùng trong các bài viết cùng chủ đề, trong khi vẫn đánh dấu các cụm từ tạo nên sự hấp dẫn riêng của từng bài viết như tên người hoặc địa điểm liên quan. Sau đó dựa theo cách hoạt động của SCIgen - một công cụ nổi tiếng chuyên tạo ra các bài báo khoa học giả, ông sắp xếp cụm câu/từ đã lọc vào một đoạn văn sử dụng ngữ pháp đúng với mọi ngữ cảnh và chứa bộ quy tắc bỏ trống chỗ của cụm từ riêng.

Phóng viên robot trong tương lai?
Robot trong tương lai sẽ tác nghiệp như một phóng viên thực thụ - (Ảnh: Guardian)

Tuy nhiên, vấn đề của GUARBOT là chưa thể hiểu chính xác phải điền gì vào chỗ trống và theo đó nó chỉ có thể tạo ra một bài viết đúng ngữ pháp nhưng không thuyết phục. Nếu GUARBOT xác định được ngữ cảnh để sử dụng đúng từ, ít nhất đây sẽ là một bước tiến đúng hướng mà Will Franklin mong muốn.

Nhiều tổ chức truyền thông đang tìm kiếm các nhà phát triển nghĩ ra phương cách thông minh, kết hợp cùng thuật toán máy tính để sản xuất tin tức hằng ngày.

Trang điện tử Forbes.com đã và đang sử dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo của Hãng công nghệ Narrative Science để sản xuất tin tức tự động từ nguồn dữ liệu trực tiếp và nội dung tổng hợp từ các bài báo trước đó. Yếu tố giúp hiện thực hóa việc này là nội dung bản tin doanh nghiệp thường có xu hướng tuân theo một công thức nhất định và nặng về số liệu, thời gian, chứng khoán hay tên công ty.

Trong khi đó, tờ Los Angles Times sử dụng robot để đưa thông tin các trận động đất nhờ một thuật toán thu dữ liệu cường độ, thời gian, địa điểm động đất từ trang web của Cơ quan Khảo sát địa chấn Mỹ (US Geological Survey).

Câu hỏi đặt ra là liệu robot sẽ có khả năng viết các bài báo với góc nhìn hay lối phân tích riêng biệt hay không? Trong một nghiên cứu hồi đầu năm 2014, nhà khoa học người Thụy Điển Christer Clerwall nhận thấy độc giả không thể nhận ra nhiều khác biệt giữa các bài báo thể thao máy "viết" và con người viết. Bài viết của robot được đánh giá cao hơn về chất lượng mô tả thông tin. Rất khó để đưa ra bất kỳ kết luận nào từ một nghiên cứu còn ngổn ngang, mã hóa vội vã và thiếu tính xác thực. Vì thế, có lẽ chúng ta vẫn cần những nhà báo và vững tin rằng báo chí không tự nhiên mà có. Nhưng chắc chắn “nhà báo” robot sẽ là ý tưởng thú vị.

(Nguồn: Tuổi trẻ )