Đấu giá “ý tưởng sinh viên”
Theo dự kiến tại TP.HCM sẽ diễn ra phiên giao dịch đầu tiên đấu giá "mặt hàng" đặc biệt: các ý tưởng nghiên cứu khoa học (NCKH).

Sự ra đời của mô hình sàn giao dịch này sẽ là đòn bẩy quan trọng để kích cầu cho thị trường sản phẩm NCKH - trong đó có nhiều đề tài của thanh niên, sinh viên - vốn bị "đóng băng" bấy lâu...

* Công trình nghiên cứu nào được đấu giá?

Câu chuyện khó tin nhưng... phổ biến

Một thực trạng tồn tại bấy lâu nay là vô số đề tài nghiên cứu sau khi thi thố trong nhiều cuộc thi NCKH đã "được"... nằm trong tủ chơi hoặc làm "mồi nhắm" cho mọt. Trong khi đó, không ít cơ quan, doanh nghiệp (DN) cần sử dụng những công trình phù hợp thì cứ loay hoay tìm kiếm. Điều này gây lãng phí rất lớn về chất xám và tiền của. Điều này dĩ nhiên không phải là ngoại lệ đối với một số hội thi nghiên cứu sáng tạo dành cho giới trẻ.

Từng tham gia và đoạt giải nhất Giải thưởng Sinh viên NCKH tại TP.HCM (Eureka) năm 2005, bạn Hoàng Thị Thanh Hương cho rằng có 2 nguyên nhân khiến nhiều NCKH của SV rơi vào tình trạng trên: Thứ nhất, đa số các đề tài ở các trường ĐH chủ yếu mang nặng tính NCKH hơn là theo hướng ứng dụng Thứ hai, đối với những công trình tốt thì không có điều kiện được "tiếp thị" đến những công ty, xí nghiệp để được triển khai. Thanh Hương đúc kết, hầu như không có hoặc có rất ít trao đổi thông tin giữa trường ĐH và DN. Tiến sĩ Lê Khắc Cường, Phó trưởng phòng Quản lý nghiên cứu và Quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM kể một câu chuyện "khó tin nhưng... phổ biến": "Bản thân tôi về làm việc ở phòng này khoảng 5 năm nhưng chỉ thấy 1 công trình đoạt giải nhất cấp bộ là Từ điển phản nghĩa tiếng Hoa do một nhóm SV Ngữ văn Trung Quốc thực hiện năm 2001 là được ứng dụng mà thôi". Theo thống kê, từ năm 1999 đến 2005, đã có 1.763 đề tài của 3.698 tác giả tham gia cuộc thi Eureka. Gần đây, Trung tâm (TT) Phát triển khoa học công nghệ trẻ Thành Đoàn TP.HCM đã khảo sát và chủ động liên lạc được với các tác giả của 60 đề tài (trên tổng số 97 đề tài đoạt giải cao Eureka năm 2005) và nhận thấy chỉ có 5 đề tài trong số đó là có thể ứng dụng (chiếm khoảng 8,3%). Trăn trở trước thực trạng đó, ban tổ chức Eureka đã kiên nhẫn đi gõ từng cánh cửa DN, cơ quan...

Sàn giao dịch ý tưởng sáng tạo do TT Sách Ý tưởng VN (Vietbooks), TT Phát triển khoa học công nghệ trẻ Thành Đoàn  TP.HCM, TT Thông tin khoa học và công nghệ TP.HCM, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật VN, Phòng Thương mại và công nghiệp VN, Công ty Nguyễn Hoàng Informatics... cùng phối hợp thực hiện với sự tham gia của khoảng 50 DN.

Các công trình sắp lên sàn giao dịch

" Chúng tôi rất muốn tổ chức mô hình sàn giao dịch các đề tài NCKH của SV. Tuy nhiên, do hạn chế về sức người và đặc biệt là về kinh phí nên "lực bất tòng tâm". Do vậy, khi tôi sang trình bày nguyện vọng với ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc Vietbooks và được ông ấy hưởng ứng, tôi cảm thấy mừng như bắt được vàng!" - anh Lâm Đình Thắng, Giám đốc TT Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành Đoàn TP.HCM nói. Ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc công ty Vietbooks chia sẻ: "Chúng tôi đã khảo sát hơn 200 DN, SV và nhận ra rằng phía SV thì có những ý tưởng rất hay, phía DN nhiều khi cũng rất cần những ý tưởng sáng tạo.  Thế nhưng, hai bên lại không gặp được nhau để trao đổi, đặt hàng khiến nhiều đề tài không tìm được đầu ra. Với mô hình này, chúng tôi sẽ làm cầu nối cho hai phía, góp phần đưa ý tưởng sáng tạo của SV vào thực tiễn". Trong các sàn giao dịch đặc biệt này sẽ có đủ các chủng loại "hàng hóa": những ý tưởng đang phôi thai, những ý tưởng đã thành giải pháp và những đề tài đã được "đóng gói" hoàn chỉnh. Sàn này mở cửa cho tất cả ý tưởng sáng tạo có giá trị. Trước mắt, trong phiên thứ nhất (dự kiến vào sáng 22.10), Ban tổ chức sẽ đưa ra giao dịch, đấu giá 4 đề tài. Trong đó, 2 đề tài Eureka đã được chọn đều thuộc lĩnh vực kinh tế, ngân hàng. "Vậy những đề tài thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội có chỗ đứng như thế nào trên các sàn giao dịch?" - chúng tôi hỏi. Một thành viên Ban tổ chức nói: "Quả thật, tự thân những đề tài xã hội mang tính nghiên cứu lý luận, hiệu quả trước mắt không thấy rõ bằng các đề tài kinh tế, kỹ thuật... Tuy nhiên, Ban tổ chức sẽ điều tiết để những ý tưởng sáng tạo có giá trị ở mọi lĩnh vực đều có thể được đưa lên sàn". Quy trình của một sàn giao dịch ý tưởng có thể được hình dung như sau: mỗi đề tài sẽ được trình bày trong từ 10-15 phút, sau đó sẽ có sự chất vấn từ DN để người "chào hàng" trả lời. Các DN sẽ quyết định có nên mua đứt hay sẽ đầu tư vào ý tưởng đó hay không.

Còn vấn đề bản quyền giữa người mua và người bán ý tưởng? Theo một thành viên Ban tổ chức, một số chuyên gia từ Hội sở hữu trí tuệ TP.HCM sẽ được mời đến chứng kiến và tư vấn pháp lý tại các sàn giao dịch. Tuy nhiên, xác lập bản quyền là do hai phía người mua và người bán tự thỏa thuận.

* Không dừng lại ở hình thức

Mặc dù phiên giao dịch đầu tiên của sàn giao dịch ý tưởng sáng tạo VN chưa diễn ra, song đã có rất nhiều người quan tâm, ủng hộ và mong mỏi mô hình này sẽ được duy trì một cách lâu bền, hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng, Phó chủ tịch T.Ư Hội Khoa học công nghệ tự động VN, Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ tự động TP.HCM:

Một khi đưa các kết quả nghiên cứu lên sàn giao dịch là có tính chất mua - bán, chuyển giao ý tưởng. Theo tôi, khi đấu giá cần phải tính toán đến các quyền sử dụng những công trình nghiên cứu để chuẩn bị kỹ và đảm bảo về mặt pháp lý từ những phiên đầu tiên cho đến lâu dài, phải chú ý đến quan hệ quyền lợi giữa các bên đồng thời công khai minh bạch thông tin, nhất là mục đích sử dụng số tiền thu được từ những sàn giao dịch này...

Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Phương Đông, đơn vị bảo trợ và cũng là nhà đầu tư sàn giao dịch ý tưởng VN:

Ở sàn giao dịch này, các nhà bảo trợ tìm đầu ra cho cả ý tưởng lẫn đồng vốn bằng cách lắng nghe, chia sẻ với cả hai phía và làm chiếc cầu nối cung - cầu. Không chỉ giới thiệu cho nhà đầu tư, những người bảo trợ còn có thể tài trợ vốn ban đầu cho các ý tưởng kinh doanh có tính thiết thực, khả thi hoặc thậm chí đầu tư vào những công trình chất xám này. Trên thực tế, nhiều người đã làm giàu bắt đầu từ một ý tưởng. Dù một ý tưởng nhỏ nhưng cũng có thể dẫn đến thành công lớn!

Gặp gỡ những người “lên sàn”

Bạn Tân Viễn (vừa tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), đại diện cho nhóm Xì Trum - nhóm tác giả đề tài đoạt giải II Eureka năm 2005 "Hướng đi cho trà Bảo Lộc-Lâm Đồng" tỏ ra rất vui mừng vì công trình của nhóm được chọn lên sàn giao dịch lần này. Viễn cho biết, tuy được giải nhưng đề tài này đến nay vẫn chưa được ứng dụng vì lý do tài chính.

Bạn Hàn Anh Thư (cựu SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), một trong hai tác giả đề tài "Nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng ngoại thương VN - Vietcombank" cũng được "lọt" vào sàn giao dịch kỳ này bộc bạch: "Phải chi có một sàn như thế này từ năm trước vì mình sẽ có nhiều thời gian để cập nhật thông tin hơn. Bây giờ tụi mình đã đi làm nên chỉ có thể chăm chút, làm mới cho đề tài vào buổi tối”.

Tôi sẵn sàng mua các ý tưởng có giá trị!

Anh Hoàng Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty tin học Nguyễn Hoàng Informatics khẳng định như thế. Bởi theo ông, hiện nay các công trình NCKH đang nằm trong tủ khá nhiều, giống như sản phẩm sản xuất xong rồi nằm trong kho vậy. Do vậy, đòi hỏi phải có người đi bán, thậm chí có người bán sỉ và bán lẻ nữa, phải làm bao bì, phải làm marketing thì người ta mới biết mà mua chứ. “Tôi hy vọng sàn giao dịch ý tưởng có lẽ sẽ giải quyết được chuyện này! Đối với mô hình này, Công ty Nguyễn Hoàng có thể hỗ trợ những việc sau: Sẵn sàng mua các ý tưởng có giá trị và sẽ đầu tư để các ý tưởng này biến thành hiện thực. Sẵn sàng hỗ trợ marketing để các ý tưởng này được nhiều người biết đến và như thế bản thân ý tưởng sẽ có nhiều cơ hội để tự tiếp thị. Sẵn sàng hỗ trợ về địa điểm tổ chức sàn giao dịch là quán cà phê V3 và các thứ khác như nước uống, đồ ăn, hoa tươi và công tác tổ chức  đến mức tối đa cho phép...”.


 

(Nguồn: (Theo TN) )