Nhật ký: Thằng cháu sinh viên
Mày sa ngã thì cứ liệu hồn. Bác là bác không chết thay cho mày được đâu con ạ.

Ngày... tháng... năm...

Đã lên đây được mấy ngày nhưng hình ảnh của ngôi làng nhà bác trưởng vẫn cứ ám ảnh mình. Một làng quê đô thị nửa vời, một làng quê với những nét văn hóa truyền thống bị đè bẹp...

Ngày... tháng... năm...

Sáng. Vừa dọn xong dãy phòng bệnh tầng 2 thì có điện thoại. Là cậu thứ con bà áp út ở phái dưới. Cái ngữ này gọi điện thì không xin xỏ cũng là nhờ vả. Ngán ngẩm nhấc máy lên. Xời, biết ngay mà, nào là cháu bác nó mới lên nhập học, có gì bác chỉ bảo thêm cho cháu, nào là bác ra xem nơi ăn chốn ở của cháu nó thế nào, nào là thỉnh thoảng bác cho cháu nó đi thăm thú nơi này nơi khác... vân vân các loại. Nếu hôm nay không có mấy ông nhà báo về làm phóng sự về văn hóa bệnh viện thì mình đã văng tục rồi. May phúc, mới kịp mở mồm ra, chưa kịp văng thì đã thấy cái ống kính đang chĩa về phía mình. Hú hồn. Nhưng cũng tiếc, mất một cơ hội lên báo.

Tối. Đem nỗi ấm ức về dồn lên đầu chồng, tưởng được chia sẻ, ai ngờ anh xã lại hào hứng: "Hay, chủ nhật này ra chơi với cháu.". Người đâu mà oái oăm, với vợ con thì cục súc mà với người ngoài thì... Lại còn trách mình tính đàn bà nhỏ nhen, chấp vặt. Ừ thì đây đàn bà đấy, không là đàn bà mà lại chịu lấy ông chắc.

Ngày... tháng... năm...

Đi làm về, người ngợm mỏi nhừ, mồ hôi ra dính dính, bức bối, khó chịu. Thế mà nhìn vào nhà là muốn nổi điên: Trời thì nóng hầm hập mà ông chồng giở chứng lôi đủ thứ linh tinh ra bày ngổn ngang khắp nhà, nhìn chỉ muốn song phi cho một phát bắn ra bãi rác.

Thấy mình, anh xã cười hề hề... (cái điệu cười mà ngày xưa mình chết dí chết dị đây mà):

- Anh lục thử xem có cái gì còn dùng được thì mai mang cho cháu.

Xúc động. Ngày xưa cũng cái kiểu chăm chút như thế này... Phải cái hồi ấy chàng còn ngô nghê đến nỗi cứ nghĩ ân cần chu đáo thế là đủ... cưới vợ. Tiếc là hồi ấy mình cũng... tưởng thế.

Ngày... tháng... năm...

Chỗ thằng cháu ở là một dãy phòng trọ chật hẹp. Chủ nhà bắt chẹt bọn trẻ con thật, cứ cái cần to thì lại thu nhỏ, cái cần nhỏ thì lại mở to: ngõ bé, cổng bé, cửa bé, phòng bé, gi gỉ gì gi cái gì cũng bé tí, được mỗi cái... lỗ hổng trên trần nhà là to.

Hỏi sao không vào ký túc xá mà ở thì thằng cháu lắc đầu quầy quậy bảo: "Vào ký túc như đi tù ấy bác ạ". Biết ngay mà, bọn ranh bây giờ cứ ở đâu thoải mái thì nó thích, cứ bị quản lý là y như rằng... muốn "tạo phản". Được rồi, thích tự do thì tự do, để xem mày bản lĩnh đến đâu. Mày mà tự chủ được bản thân thì tốt, nhược bằng mày hư hỏng, mày sa ngã thì cứ liệu hồn. Bác là bác không chết thay cho mày được đâu con ạ.

Lục đục đi ra ngoài sắm sửa thêm cho thằng cháu ít đồ. Bực mình với bố nó bao nhiêu thì lại thấy thương nó bấy nhiêu. Rõ khổ, mới 5 tuổi đầu đã mồ côi mẹ, bố thì đoảng nên từ lúc ấy đến giờ nó thiếu sự quan tâm nhiều lắm. Được cái thằng bé có vẻ biết điều nên từ tấm bé đến giờ bố nó chưa phải đi gặp riêng thầy giáo lần nào. Nhận đồ, thằng cháu rưng rưng: "Cháu cảm ơn bác, thế là mai lại có cái để... đem bán rồi. Chỗ này khéo phải đến mấy cây vàng í nhở bác nhở?". Thằng này dẻo mồm thật.

Ngày... tháng... năm...

Con trai thẽ thọt khoe có bạn gái. Mình thấy... biêng biêng. Mừng vui lẫn lộn.

(Nguồn: 24H.COM.VN )