Hôm nay bắt đầu xử phạt xe không chính chủ
Hôm nay (15/4), quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện của Bộ Công an bắt đầu có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, người tham gia giao thông sẽ bị “truy” phạt khi phương tiện bị tạm giữ và xác định có hành vi vi phạm.

Để việc triển khai Thông tư 11/2103/TT-BCA được rõ ràng và đảm bảo đúng quy định, Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục VII - Bộ Công an vừa có văn bản gửi lãnh đạo công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai thực hiện xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện.

“Lực lượng CSGT và các lực lượng cảnh sát khác được huy động tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) không dừng xe trên đường hoặc khi xử lý các vi phạm khác không được yêu cầu người điều khiển phương tiện phải chứng minh là xe đi mượn, xe của gia đình… để kiểm soát phát hiện vi phạm và xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” - Trung tướng Đỗ Đình Nghị nhấn mạnh.
 
Lực lượng CSGT không được phép hỏi và xử phạt xe không chính chủ
Lực lượng CSGT không được phép hỏi và xử phạt "xe không chính chủ"
trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên đường

Khi thực hiện xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo theo Thông tư 11/2013/TT-BCA của Bộ Công an, Trung tướng Đỗ Đình Nghị lưu ý: Đối với đăng ký xe, không xử phạt các trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển theo quy định; Đối với trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ, thông qua cơ sở dữ liệu đăng ký xe hoặc xác minh để xác định hành vi vi phạm; không yêu cầu người vi phạm hoặc chủ phương tiện phải chứng minh. Nếu hết thời hạn tạm giữa phương tiện nhưng không xác định có hành vi vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” thì người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt đối với hành vi đã vi phạm và làm thủ tục trả phương tiện theo quy định.

Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của dân 24/24h

Tại Hà Nội, chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội (PC 67) đã đưa ra các kế hoạch tổ chức triển khai nhằm quán triệt lực lượng CSGT nắm vững, thực hiện đúng quy định của Bộ Công an, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác đăng ký quản lý phương tiện góp phần đảm bảo TTATGT, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

PC 67 yêu cầu lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng quy trình công tác, điều lệnh, tư thế, tác phong, thái độ ứng xử giao tiếp; không được hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà khi tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến công tác đăng ký xe.

Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng PC67 khẳng định: “Lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, điều khiển giao thông thì chỉ xử lý những hành vi vi phạm giao thông và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Lực lượng CSGT không được phép hỏi và kiểm tra, xử lý lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định đối với người tham gia giao thông.”.
 
Những ngày qua người dân Hà Nội đổ xô đi sang tên đổi chủ xe để tránh bị phạt
Những ngày qua người dân Hà Nội đổ xô đi sang tên đổi chủ xe để tránh bị phạt

“Ngay từ sáng sớm ngày 15/4, PC 67 sẽ bố trí trực địa bàn, kiểm tra tại các nút giao thông, 4 điểm đăng ký xe ô tô và 29 quận, huyện trên toàn thành phố về công tác tuần tra kiểm soát trên đường, điều khiển giao thông, công tác đăng ký xe theo quy định, trong xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Người dân có thể phản ánh về PC 67 những điều cán bộ chiến sĩ CSGT làm chưa đúng hoặc vấn đề bất cập về những công tác liên quan qua đường dây nóng 04.9424451. Nếu cán bộ chiến sĩ thực hiện chưa đúng thì sẽ bị nhắc nhở chấn chỉnh ngay tại chỗ và tùy mức độ để xử lý kỷ luật” - Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết.

Hiện đang là thời gian cao điểm người dân làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện, vì thế, Đại tá Thắng yêu cầu tại các điểm đăng ký trên toàn thành phố phải tăng cường cán bộ làm công tác tiếp dân, trích dẫn quy định và dán thông báo, hướng dẫn công khai cho nhân dân được biết. Lực lượng phải nghiêm tục thực hiện các quy định về đăng ký xe, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên đổi chủ phương tiện nếu thấy thiếu thủ tục giấy tờ thì cán bộ chiến sỹ phải có trách nhiệm ghi lại đầy đủ cho người dân xem cần bổ sung những gì, tránh để người dân phải đi lại nhiều. Phải làm hết việc chứ không làm hết giờ.

Với việc xử lý cò mồi tại các điểm đăng ký xe, Đại tá Thắng yêu cầu chỉ huy đội quản lý xe và công an các quận huyện phải tổ chức trinh sát, hình sự, để điều tra xử lý các đối tượng cò mồi, chân gỗ, môi giới dẫn dắt đưa vào đăng ký và gây nhũng nhiễu cho người dân, đảm bảo trật tự công cộng tại các điểm đăng ký phương tiện.

Được biết, hiện Hà Nội có gần 5 triệu phương tiện, trong đó 500.000 ô tô và gần 4,5 triệu xe máy, số lượng ô tô đã sang tên đổi chủ tính đến ngày 12/4 là 3.223 chiếc, lượng xe máy đăng ký sang tên đổi chủ cũng tăng cao so với trước đó.


(Nguồn: Quỳnh Anh )