Vừa qua, sau khi một số tỉnh miền núi hứng chịu những trận mưa đá khủng khiếp gây thiệt hại cả về người và của, nhiều ý kiến đã băn khoăn về khả năng dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đặc biệt là về dự báo hiện tượng mưa đá. Theo đó, có một số ý kiến của độc giả cho rằng nhiều nước trên thế giới (ví dụ như Canada) đã dự báo chính xác được hiện tượng mưa đá, trong khi Việt Nam thì không. Về nguyên nhân, một số ý kiến nhận định là do yếu tố con người, trong khi một số ý kiến khác nói rằng do cơ sở vật chất, thiết bị ở Việt Nam quá lạc hậu.
Trao đổi với phóng viên về những ý kiến này, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương chia sẻ: ở những nước ôn đới, việc dự báo được hiện tượng mưa đá là hoàn toàn có thật. “Họ còn có thể tính được ngày giờ xảy ra mưa đá, nhưng chỉ quy ra các loại cường độ trung bình mạnh, yếu hoặc xác xuất có mưa đá là bao nhiêu phần trăm... chứ không đến mức dự báo được rằng mưa sẽ có kích cỡ hạt to bao nhiêu. Tuy nhiên, với các nước nằm trong vùng nhiệt đới thì không có khu vực nào dự báo được” - ông Hải khẳng định.
Những trận mưa đá lớn mặc dù gây thiệt hại nặng nề nhưng không thể dự báo trước được - ảnh minh họa |
Theo ông Hải, phần lớn các nước trên thế giới không dự báo trước được mưa đá mà chỉ cảnh báo hiện tượng mưa đá để đề phòng, giống như ở Việt Nam. Khi có nghi ngại, một số vùng ở Châu Âu (đặc biệt những vùng trồng nho) đã áp dụng những biện pháp nhằm phá mưa đá bằng cách bắn tên lửa lên vùng mây khiến quả tên lửa nổ ra, trên đó có gắn sẵn hoá chất gây ra hiện tượng ngưng kết, làm hạt mưa hình thành sớm và rơi xuống trước khi hình thành mưa đá.
Về những trận mưa đá mới đây diễn ra tại một số tỉnh miền núi, ông Lê Thanh Hải cho biết, kể từ khi vào nghề đến nay đã 30 năm, ông chưa bao giờ ghi nhận có một trận mưa đá nào mà hạt mưa lớn bằng cái bát như vậy. “Cũng có thể có những trận mưa đá lớn xảy ra ở những nơi không có người nên mình không biết. Còn những trận mưa đá vừa qua xảy ra ngay ở nơi dân cư đông đúc nên đã để lại hậu quả lớn” - ông Hải nói.
Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng chia sẻ thêm, tháng 4 bao giờ cũng là tháng có tỷ lệ dự báo thời tiết sai nhiều nhất trong năm, bởi tháng này thời tiết thay đổi rất bất thường, không theo bất cứ một quy luật nào.
Hà Nội ít có khả năng xảy ra mưa đá
Đối với những lo ngại mưa đá sẽ có thể xảy ra tại Hà Nội trong những ngày này, ông Hải cho biết, điều đó ít có khả năng xảy ra mặc dù Hà Nội cũng đã từng xuất hiện một số trận mưa đá. Trận mưa đá gần nhất, với những viên đá to bằng đầu ngón tay diễn ra vào tháng 11 năm 2006. Khi đó, giữa buổi chiều thời tiết tại Hà Nội mát dần, xuất hiện gió mạnh, mưa lớn kèm theo những hạt nước đá. Mưa mỗi lúc một to và đá cũng to dần, có khả năng gây vỡ kính ô tô. Vì vậy, khi thấy có mưa đá, những chiếc ô tô đã ngay lập tức tìm đỗ dưới những gốc cây hoặc các ngõ nhỏ để tránh thiệt hại. Trước đó, vào đầu tháng 5/2005, một trận mưa đá tương tự cũng diễn ra tại Hà Nội, với thời gian kéo dài khoảng 10 phút.
Về đợt gió mùa đang đổ bộ xuống miền Bắc, ông Hải cho biết đây là một đợt “rét nàng Bân”, tuy không đến mức gây rét đậm nhưng cũng làm nhiệt độ tại miền Bắc giảm nhiều, trời trở lạnh. Theo ông Hải, đêm qua và ngày hôm nay (6/4), Bắc Bộ sẽ chủ yếu có giông tố và gió giật mạnh, mưa ít. Phải sang đến đầu tuần tới, khi đợt không khí lạnh mới tăng cường sẽ gây mưa nhiều cho các tỉnh miền Bắc.
Những hạt mưa đá tại Hà Nội vào tháng 11/2006 |
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, đợt không khí lạnh mạnh này khiến cho ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông cần đề phòng có tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 5.
Đặc biệt, ở vịnh Bắc Bộ sẽ có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ từ trưa chiều nay có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật trên cấp7, biển động. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh.