Virus cúm A/H7N9 ở gia cầm đã thích nghi với người
Ngày 5.4, số ca mắc và tử vong do cúm H7N9 lại tiếp tục tăng lên: Đã có ít nhất 14 ca bệnh, trong đó 6 người tử vong. GS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ - cho hay: Hiểu biết của các nhà khoa học trên thế giới về cúm A/H7N9 đang tăng lên từng ngày.


Bộ phát hiện virus H7N9 tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Bắc Kinh. Ảnh: AFP
Bộ phát hiện virus H7N9 tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Hiện tại, họ đã tìm thấy trong cúm A/H7N9 mới này có chứa chủng cúm khác là H9N2 và H11N9... Người ta cũng phát hiện được đột biến gene của virus cúm A/H7N9 tạo khả năng thích ứng và phát triển trên tế bào của động vật máu nóng và người. Virus cúm H7N9 vốn ở gia cầm, với cơ chế thích nghi này, chúng đã có thể tồn tại và phát triển trên người. 

Cho đến nay, các trường hợp mắc cúm bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở một số nơi, chứ chưa xuất hiện chùm ca bệnh nào. Người ta chưa tìm thấy bằng chứng của việc lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, với cơ chế thích ứng của cúm H7N9 trên người như hiện nay, khả năng lây từ người sang người hoàn toàn có thể xảy ra nếu có tiếp đột biến. Với số ca mắc và chết hiện nay, tỉ lệ tử vong do cúm A/H7N9 cũng lên tới hơn 50%. Tuy nhiên, với 14 bệnh nhân mắc - cỡ mẫu nghiên cứu còn nhỏ - cũng chưa thể đưa ra khẳng định chính xác nào về độc lực của chủng cúm này. 

Có thể nó sẽ mạnh lên, nhưng cũng có thể như cúm đại dịch H1N1: Ở giai đoạn đầu, độc lực khá lớn, nhưng khi lây lan rộng độc lực lại giảm đi. Và hiện nay, cúm A/H1N1 đại dịch chỉ còn được coi như cúm mùa thông thường. Do đó, cần giám sát chặt chẽ theo dõi độc tính, biến chủng của virus cúm. 

Nhóm virus týp H7, với phân týp từ N1 – N9 là nhóm cúm gia cầm. Từ năm 1996 - 2012, các ca bệnh nhiễm virus H7N2, H7N3 và H7N7 đã được báo cáo tại Hà Lan, Italia, Canada, Hoa Kỳ, Mexico và Vương quốc Anh. Hầu hết các trường hợp chỉ có các triệu chứng đường hô hấp trên và viêm kết mạc nhẹ. Chỉ có 1 ca tử vong ở Hà Lan là cán bộ thú y đã tiếp xúc mật thiết với gia cầm.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh cúm trên phạm vi cả nước. Tất cả các ca viêm phổi nặng, nhiễm trùng cấp tính có ho, sốt, khó thở đều được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng đã giám sát khả năng tương tác cúm ở người và động vật tại một số địa phương. Tại Thái Bình, Long An, viện lấy bệnh phẩm của các trường hợp cúm ở người, bệnh phẩm ở gà, ngan, vịt, lợn tại cùng thời điểm, cùng hộ gia đình. Hiện tại, chưa phát hiện trường hợp cúm A/H7N9 nào trên động vật và người. 

Được biết, BV Bệnh nhiệt đới TƯ đã chuẩn bị sẵn 45 máy thở, thuốc Tamiflu, phòng cách ly, sẵn sàng tiếp nhận khi có bệnh nhân cúm A/H7N9. Ông Nguyễn Văn Kính - GĐ BV - lưu ý: “Khâu kiểm dịch y tế biên giới rất cần thận trọng, bởi ở đây sử dụng máy đo thân nhiệt phát hiện các trường hợp sốt. Tuy nhiên, có thể hành khách bị sốt nhưng dùng thuốc hạ sốt nên sẽ không thể phát hiện ra. Do đó, cần phải theo dõi sức khỏe của những người đến VN từ vùng có dịch ít nhất từ 7 – 10 ngày và cung cấp cho họ thông tin nơi có thể đến khám và điều trị nếu có dấu hiệu của bệnh. 
Gia Lai: Nghiêm cấm gia cầm từ Campuchia

UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản tạm dừng nhập gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm từ các tỉnh đang có dịch vào tỉnh Gia Lai (kể cả đã có giấy kiểm dịch). Theo đó, nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, mua bán, trao đổi, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm từ Campuchia vào tỉnh Gia Lai. Nghiêm cấm di chuyển đàn gia cầm có nguồn gốc từ Campuchia sang địa bàn tỉnh Gia Lai để nuôi, chăn thả và ngược lại. Công văn này nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các tỉnh biên giới với Campuchia.

(Nguồn: xaluan.com )