Số CMND mẫu mới sẽ thành mã số công dân
Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý dân cư đã được đưa ra xem xét ở nhiều góc độ tại hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua 26.3.


Một trong những vấn đề lớn nhất tại hội thảo được nhiều đại biểu quan tâm là cần làm rõ việc chồng chéo giữa các bộ ngành gây lãng phí. Bởi ngoài đề án của Bộ Tư pháp thì Bộ Công an cũng đang có dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với kinh phí 3.000 tỉ đồng.

 Số CMND mẫu mới sẽ thành mã số công dân
Theo dự kiến, 12 chữ số trong CMND mẫu mới sẽ được giữ làm mã số công dân của cá nhân được cấp - Ảnh: T.S

Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), cho rằng việc Bộ Công an xác định đề án cấp CMND mới với 12 số chính là đầu ra của vấn đề. “Vấn đề quan trọng nhất là phải làm sao giúp Chính phủ đánh số gần 90 triệu dân. Việc này Bộ Công an đã tính toán và đang thực hiện, sắp tới sẽ tiến hành thí điểm trên toàn Hải Phòng… Đề án của chúng tôi sắp hoàn thành, đang xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, trong đó Bộ Thông tin - Truyền thông thẩm định, cho ý kiến về mặt công nghệ rồi. Từ việc cấp CMND mới, các bộ ngành sẽ dựa vào đó để cải cách thủ tục hành chính cho người dân là xong, đâu cần phải thực hiện thêm đề án của Bộ Tư pháp”, ông Dung nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Khanh, Vụ trưởng Vụ Hành chính - tư pháp (Bộ Tư pháp) nói đề án của Bộ Công an và Bộ Tư pháp đều gặp nhau ở việc cấp mã số công dân ngay từ điểm gốc là giấy khai sinh - căn nguyên của mỗi con người. Vậy ngay từ bây giờ khi xây dựng luật Hộ tịch, cơ quan soạn thảo phải tính toán, đưa ra lộ trình về việc cắt giảm các loại giấy tờ, thủ tục cho công dân như thế nào cho hợp lý. Theo dự kiến, ngay từ thời điểm luật Hộ tịch có hiệu lực (dự kiến năm 2015), cán bộ hộ tịch xã/phường sẽ tiến hành ghi tất cả thông tin của một công dân vào một cuốn sổ thôi để theo dõi, không chia ra nhiều cuốn sổ như hiện nay. Đồng thời không cấp các loại giấy tờ như khai sinh, kết hôn, hộ khẩu... như hiện nay nữa. Để làm được việc đó phải có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chuẩn hóa hộ tịch viên xã/phường vừa giỏi chuyên môn vừa thông thạo vi tính để cập nhật thông tin lên hệ thống.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), trên cơ sở thông tin góp ý của Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan, dự thảo đề án trên đã xác định số định danh cá nhân cấp cho mỗi công dân chính là số CMND mới (12 số) mà Bộ Công an đã triển khai thí điểm cấp cho công dân tại 3 quận, huyện ở Hà Nội (Hoàng Mai, Tây Hồ, Từ Liêm). Tuy nhiên, số định danh cá nhân mới chỉ được quy định cụ thể tại cấp độ Thông tư của Bộ Công an nên xét về mặt pháp lý, cần quy định về số định danh cá nhân tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để khẳng định giá trị pháp lý và làm cơ sở để các ngành khác sử dụng trong quản lý ngành, lĩnh vực. Việc cấp số định danh cho công dân đăng ký khai sinh từ ngày luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành. Đối với công dân đã khai sinh trước ngày luật Hộ tịch có hiệu lực, việc cấp số định danh sẽ được thực hiện từ năm 2013 đến hết năm 2020.


(Nguồn: Thái Sơn )