Hiếm có bị cáo nào, ra toà, dù cầm chắc cái án tù chung thân, dù còn hai con nhỏ mà bình thản đến thế, như Cúc. Trong phiên toà vừa mới diễn ra tại Toà án Nhân dân TP Hà Nội hồi cuối tháng 12, không khóc lóc, thậm chí không cả run rẩy, Nguyễn Thị Cúc bình tĩnh trả lời tất cả các câu hỏi của HĐXX một cách rành mạch, rõ ràng, không cần né tránh. Như thể, đã ôm được một núi tiền rồi, giờ có tù chung thân đi chăng nữa cũng đến thế thôi. Luật pháp không có án tử hình dành cho tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, cả mấy chục người bị hại, những người đã vác tiền đến đút vào túi Cúc thì ngồi dưới phòng xử, khóc ròng… "Đại gia ngã ngựa" Nguyễn Thị Cúc trước vành móng ngựa 1.Cúc còn trẻ lắm, mới ngoài 30 tuổi, nhan sắc dưới mức trung bình nhưng đã nổi như cồn ở cái thị trấn Phú Minh này từ lâu. Tiếng là thị trấn của huyện Phú Xuyên nhưng gần Hà Nội lắm, chỉ cách Tháp Rùa có chừng hơn 20 km nên Cúc không bao giờ là đại gia tỉnh lẻ. Cúc sinh ra và lớn lên ở đây. Không học hành đỗ đạt, không thông minh kiệt xuất, không đồng xu cắc bạc hồi môn và nhan sắc cũng không có nốt. Cúc xấu người nhưng được cái khéo tay nên chọn nghề thợ may. Cũng là thợ may vườn thôi, may cắt mấy thứ đồ bình dân với tiền công rẻ mạt. Cúc lấy chồng, một người cùng quê, làm nghề lái xe công nông chở gạch. Thu nhập nhì nhằng từ chiếc máy khâu cộng với đồng lương lái xe, cố lắm cũng chỉ đủ duy trì một gia đình. Nếu có tích luỹ, cũng chỉ chút đỉnh thôi, rất khó giàu. Ấy thế mà, đột ngột Cúc trở thành đại gia. Người ta đồn đại, chả biết có đúng hay không rằng, Cúc giàu từ lúc chuyển từ thợ may sang buôn tiền. Ban đầu chỉ vay những khoản cò con rồi cho vay lại để kiếm lời, sau thấy kiếm được hơn là ngồi rạc cẳng đạp máy khâu, nên mới đầu tư mạnh hơn, vào những khoản tiền vay và cho vay lớn hơn. Cho đến khoảng những năm 2010 thì ở Phú Minh, người ta gọi Cúc là đại gia. Mảnh đất cũ của gia đình trong xóm hẹp, Cúc vung tiền ra đổi lấy mảnh đất to đẹp ngoài phố để xây biệt thự. Biệt thự nhà Cúc ở thị trấn, hoành tráng không thua kém gì biệt thự của các đại gia ngoài Hà Nội. Cúc dự định sẽ đầu tư 30 tỷ đồng để xây ngôi biệt thự này. Cúc tuyên bố bỏ tiền ra làm đường bê tông cho xóm, rồi mở tiệc linh đình cho cả ngày khởi công lẫn khánh thành. Cúc mua mảnh đất trị giá gần 2 tỷ đồng chỉ để làm chỗ… đậu ô tô. Nhà Cúc rộng, Cúc bày đầy két sắt, ô tô mấy chiếc, xe máy cả chục cái. Ô tô nhà Cúc chở cả bao tải từ đâu về, chả ai biết là bao gì, cho đến lúc Cúc bảo đó là bao tải tiền, mọi người mới kinh ngạc. Người thị trấn truyền tai nhau kể, Cúc khoe, có bữa tối gia đình ăn hết mấy chục triệu đồng ở nhà hàng. Rồi, có lúc cao hứng, Cúc bảo bay vào TP HCM chơi lòng vòng rồi lại bay về. Cái thị trấn Phú Minh bé tý tẹo, đi xe đạp có khi chỉ 15 phút là hết nhưng ngày nào Cúc cũng dễu dện cưỡi trên chiếc Audi lượn đi lượn lại. Cúc khoe, xe mua 8 tỷ, đi siêu xe ở thị trấn này kể cũng phí, như thể người muối cà trong vại pha lê. Nhưng mà, thằng bé con nhà Cúc lúc ấy mới 10 tháng tuổi, hay ốm đau quá, Cúc mua Audi để phục vụ mỗi việc chở con đi khám bệnh ngoài Hà Nội thôi. Thằng bé con xinh xắn, kháu khỉnh thế, ngồi siêu xe mới xứng. Ngay cả lúc đã đến đầu thú ở Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội rồi, sắp bị tạm giam đến nơi mà Cúc vẫn bảo, em có ăn chơi gì đâu, mua Audi để đưa con đi bệnh viện thôi mà… Có mặt tại Toà án Nhân dân TP Hà Nội trong phiên toà với tư cách là người bị hại, bà Nguyễn Thị B. một chủ tiệm vàng ở Thường Tín, người bị mất với Cúc nhiều tiền nhất trong vụ án này, đau xót kể. Nhìn nhà cửa vợ chồng Cúc, nhìn cung cách ném tiền qua cửa sổ của Cúc, ai nghĩ Cúc là “Chúa Chổm”. Cúc thường xuyên ôm vàng tới bán cho bà. Vào thời điểm sốt vàng, có ngày Cúc mang cả trăm cây vàng đến bán với giá mềm, chả bao giờ thèm kỳ kèo, bớt một thêm hai. Làm ăn lâu dần thành quen, với cửa hàng vàng bạc của bà, Cúc bao giờ cũng là mối ruột, là khách VIP. Được bà B. tin tưởng là thế nhưng lần đầu tiên hỏi vay bà 2 tỷ đồng vào tháng 8/2011, Cúc cũng chả thèm vay suông mà đưa ngay cho bà 38 cây vàng và 1 sổ đỏ nhà đất để làm tin. Sau lần vay đầu tiên ấy, tháng nào Cúc cũng vay bà chủ tiệm vàng lúc vài tỷ, lúc vài chục cây vàng. Tới ngày bỏ trốn, Cúc còn nợ bà B. 2 tỷ đồng và 34 cây vàng. Nhưng, bà B. kể, khi vay không bao giờ Cúc nói là vay mà bảo bà ứng trước tiền bán vàng. Cúc lý giải vì kẹt tiền mặt nên lấy tiền của bà trả cho khách, rồi sẽ mang vàng về sau. Căn nhà mà Cúc thế chấp giấy tờ cho bà, đến khi Cúc bỏ trốn, bà B. mới biết mình đã bị lừa, bởi căn nhà đó được bán từ lâu. Nhiều người ở trong và ngoài thị trấn Phú Minh đã từng cho Cúc vay tiền kể, đối với những khoản tiền dưới 100 triệu đồng, Cúc không bao giờ thèm vay vì chê ít quá. Người mang tiền đến cho Cúc, Cúc không thèm đếm, bảo bao nhiêu Cúc ghi giấy biên nhận bấy nhiêu và trả tiền lãi ngay tức khắc. Mà tiền lãi Cúc trả thì quả là không có bất kỳ tổ chức tín dụng nào địch nổi, thường từ 4,5 đến 7,5%/tháng. Thậm chí, có thời điểm được tính theo ngày, thường khoảng từ 3-5 nghìn đồng/triệu. Có khi Cúc đẩy lãi lên đến 7-8 nghìn đồng/triệu, ngang với lãi suất tín dụng đen ở sòng bạc. Có 100 triệu đem đến cho Cúc, Cúc không thèm đếm trả luôn 15 triệu đồng tiền lãi của tháng đầu tiên. Có lẽ, cũng chính bởi lãi suất khủng mà Cúc thu hút được rất nhiều người tự nguyện mang tiền đến cho Cúc. Trong các giấy biên nhận nợ, Cúc bao giờ cũng chỉ ký mỗi tên mình, chủ nợ nào mà đòi chữ ký của cả hai vợ chồng, Cúc trả lại ngay, không thèm vay nữa. Cũng bởi lãi suất khủng mà ở Phú Minh và những điểm lân cận đã hình thành nên những đại lý gom tiền nhỏ lẻ từ nhiều người dân thành khoản lớn rồi đem đến cho Cúc vay để hưởng lãi suất chênh lệch. Theo cáo trạng truy tố Cúc thì ngoài bà B., Cúc còn vay của 10 người khác. 10 người này đều là đại lý đi gom tiền từ nhiều người khác. Trước tòa, chị Phùng Thị P. vừa khóc vừa kể, từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2011 đã cho Cúc vay 14 lần với tổng số tiền là 76,4 tỷ đồng. Tương tự, chị Nguyễn Thị B. cũng nhiều lần cho Cúc vay tiền với tổng số tiền lên tới 88,5 tỷ đồng. Tới ngay, chị mới được gán một căn nhà trị giá 5 tỷ. Chị Nguyễn Thị H. thì, ngoài 4,1 tỷ đồng tiền mặt, còn cho Cúc vay 370 cây vàng. Để có tiền cho Cúc vay, vợ chồng chị đã vay của 40 người khác. Theo cáo trạng, từ đầu năm 2008 đến tháng 10/2011, Cúc vay tiền của nhiều người với số tiền 233 tỷ đồng. Số tiền, vàng đã chiếm đoạt được Cúc đã dùng để mua ô tô, 8 bất động sản, nội thất khác tổng cộng là 39 tỷ đồng. Số tiền còn lại Cúc sử dụng để chi tiêu cá nhân, trả nợ gốc và nợ lãi khoảng 20 tỷ đồng cho những người đã vay trong vụ án này cũng như các trường hợp vay khác. Sau khi bị bắt, Cúc và chồng đã khắc phục một phần cho các bị hại, còn tổng số tiền chiếm đoạt là tới 213 tỷ đồng và 404 cây vàng. 2. Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) cho biết, trong vòng 2 năm 2010 – 2011 cả nước đã xảy ra trên 100 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm liên quan đến vay, huy động vốn với lãi suất cao do người dân tự huy động với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 4.500 tỷ đồng. Nhiều vụ vỡ nợ lớn với số tiền vay nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm cho hàng trăm gia đình điêu đứng, bị cầm cố hết tài sản, ruộng vườn, thậm chí trắng tay. Vụ án Nguyễn Thị Cúc là vụ vỡ nợ lớn nhất trên địa bàn Hà Nội nhưng không phải là vụ duy nhất. Chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2011), cùng với vụ Nguyễn Thị Cúc tại Hà Nội còn xảy ra liên tiếp 4 vụ vỡ nợ lớn nữa với số tiền không tính bằng đơn vị tỷ đồng mà tính bằng đơn vị vài trăm tỷ đồng. Theo đánh giá của Cục C45 thì thủ đoạn chung của các đối tượng trong các vụ án này đều giống nhau. Đa số họ đều tạo vỏ bọc sang trọng, giàu có, thừa tiền, kinh doanh phát tài phát lộc để người cho vay tin rằng họ sẽ không bao giờ mất khả năng chi trả. Cùng với đó, các đối tượng này đã đánh trúng vào lòng tham của phần đông dân chúng là trả lãi suất rất cao, gấp nhiều lần lãi suất huy động của các ngân hàng. Bởi vậy mà thủ đoạn tội phạm dù không quá tinh vi nhưng người dân vẫn mắc. Khi thu thập tài liệu cho bài viết này, chúng tôi đã hỏi chuyện khá nhiều người bị hại, rằng, khi đưa tiền đến cho các đối tượng này vay có biết mục đích họ vay để làm gì không thì câu trả lời chung đều là: chỉ biết họ làm kinh doanh nhưng kinh doanh gì thì chịu. Ngay trong vụ Nguyễn Thị Cúc cũng vậy, tất cả những người bị hại đều chỉ biết Cúc giàu có, Cúc đi xe hơi 7-8 tỷ, Cúc xài tiền như giấy lộn mà không ai biết rằng Cúc vay tiền để làm gì. Mãi đến khi ra Toà, mới vỡ lẽ ra rằng, Cúc vay của người trước để trả cho người sau, Cúc huy động cả đống tiền để mua xe hơi, mua nhà đất và ăn chơi theo kiểu ném tiền qua cửa sổ. Nếu, tất cả đều trả lời được câu hỏi, họ đã làm gì để sinh lời được với mức lãi suất huy động tiền gửi cao gấp hơn 100 lần lãi suất ngân hàng, thì chắc chắn sẽ chẳng có ai dại dột gom hết cả vốn liếng tài sản cho những người như Cúc
|