Chạy đua gửi tiền lãi suất cao
Từ 11/6, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động xuống 9%. Đây là cú giảm mạnh sau những lần điều chỉnh đưa lãi suất từ 14% xuống 11% như hiện nay. Lo lãi suất xuống thấp, trong khi các kênh đầu tư khác chưa khả quan nên nhiều người đã tìm cách gửi tiền dài hạn với lãi suất cao nhất có thể.

Ngân hàng lớn giảm lãi suất sớm
 

 Quyết định giảm lãi suất chưa được Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chính thức nhưng các ngân hàng đã sớm đón đầu để giảm lãi suất. Thực sự, các ngân hàng đang dư vốn, khó cho vay nên bản thân họ cũng muốn sớm giảm lãi suất.
 
 Ngay trước khi có thông tin giảm lãi suất, Vietcombank đã có một động thái báo hiệu khi đưa lãi suất huy động các kỳ hạn giảm mạnh. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm cao nhất niêm yết từ 1 tháng tại Vietcombank đang là 10,5% một năm, thấp hơn 0,5% so với trần quy định. Đây cũng là mức cao nhất của nhà băng này, khi mà ở các kỳ hạn dài hơn 1 tháng, lãi càng có xu hướng thấp đi. Với 2 và 3 tháng, mức tối đa áp dụng là 10%. Còn từ 6 tháng đến 2 năm, lãi là 9,5% một năm. Gửi dài hơn 2 năm, mức tối đa khách hàng cá nhân nhận được chỉ 8%.
 
 ACB cũng là ngân hàng có bảng lãi suất niêm yết thấp hơn so với trần 11%. 10,8% một năm là lãi suất tối đa nhà băng này áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng, lĩnh lãi tháng hoặc cuối kỳ. Với các khoản gửi khác từ 2 đến 36 tháng, lãi suất dao động 9,3% đến 11% một năm. Một số kỳ hạn khác vẫn bằng với trần huy động 11%, nhưng đa phần đều thấp hơn nếu khách gửi tiền lĩnh lãi hàng tháng.
 
 Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã quyết định giảm lãi suất cho vay. Theo đó, với 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, lãi suất cho vay cao nhất BIDV áp dụng là 12% một năm. Khách vay mua nhà trong gói tín dụng 4.000 tỷ cũng là đối tượng được ưu tiên áp dụng lãi suất 12% trong 6 tháng đầu tiên. Đây là lần giảm lãi suất thứ hai trong vòng 10 ngày và lần thứ tư kế từ đầu năm. So với đầu năm, tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này tính đến 31/5 tăng 8,39%.
 
 Ngân hàng nhỏ cố neo lãi suất cao

 
 Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ có lãi suất huy động vượt trần cao được nhiều người tìm đến gửi tiền và nâng thời hạn gửi. Cho đến thời điểm hiện tại, có ngân hàng vẫn đang huy động tiền gửi vượt trần ở mức 14,5% cho thời hạn 1-3 tháng, 13,5 % cho thời hạn 6-9 tháng và 13% cho thời hạn 1 năm.

Khách hàng gửi tiền trước ngày 11/6 vẫn được hưởng các mức lãi suất này. Chính vì vậy, nhiều khách hàng đã quyết định nâng thời hạn gửi tiền theo thời hạn từ 3 tháng đến 1 năm.
 
 Trước đây, mọi người thường gửi theo kỳ hạn 1 tháng, nhưng khi lãi suất liên tục hạ thì lợi ích của người gửi tiền cũng giảm theo. Vì vậy, việc tăng kỳ hạn gửi chính là cách giữ cho tiền gửi có lợi nhất. Khi lãi suất hạ xuống 9% thì việc gửi 6 tháng với lãi suất 13,5%, chênh lệch tới 4,5% được mọi người cho là lý tưởng để đảm bảo tiền không bị mất giá.
 
 Tại các phòng giao dịch của các ngân hàng HD Bank, Maritime Bank, Bắc Á Bank... tại Hà Nội trong ngày thứ 6 (8/6) khá tấp nập khách hàng tìm đến gửi tiền trước khi lãi suất hạ. Một số khách hàng mới gửi tiền theo kỳ hạn 1 tháng được 1 tuần cũng vội vã rút ngay để gửi vào những ngân hàng có lãi suất cao với kỳ hạn dài hơn.
 
 Anh Nguyễn Tiến Hưng ở Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân vừa rút 300 triệu đồng từ phòng giao dịch của 1 ngân hàng trên đường Láng Hạ, Hà Nội cho biết, anh rút để gửi vào 1 ngân hàng khác với lãi suất 14,5% kỳ hạn 3 tháng. Với lãi suất này thì tiền đã được đảm bảo tốt. Nói về sự an toàn, anh cho biết với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước không để ngân hàng nào "chết" và đảm bảo người gửi tiền không bị thiệt thì anh hoàn toàn yên tâm dù ngân hàng anh gửi có thanh khoản yếu đến thế nào cũng không phải lo. "Cứ tìm ngân hàng có lãi suất huy động cao mà gửi", anh Hưng nói.
 
 Nhiều người cũng cùng chung suy nghĩ như vậy nên trong ngày này các ngân hàng thanh khoản yếu đang huy động với lãi suất cao được mọi người quan tâm hơn cả.
 
 Cách đây 2 tháng gửi tiền vẫn còn hưởng lãi suất tới 16%/năm thì nay khi hạ xuống 9% là quá nhanh khiến họ cảm thấy không còn hấp dẫn và cố níu kéo để gửi tiền vào những ngân hàng đang huy động với lãi suất cao.
 
 Các thông tin về lãi suất của các ngân hàng cũng được người gửi tiền chia sẻ với nhau rất nhanh. Không phải cứ cùng 1 ngân hàng thì sẽ có lãi suất giống nhau mà còn tùy thuộc vào từng chi nhánh, từng phòng giao dịch. Giữa các phòng giao dịch của 1 ngân hàng nhưng lãi suất cũng khác nhau, vì vậy thông tin về nơi nào có lãi suất cao luôn được mọi người quan tâm dò hỏi.
 
 Anh Hùng, nhân viên phòng giao dịch của một ngân hàng tại Láng Hạ, cho biết: "Suốt mấy ngày nay, mỗi ngày có hàng chục cuộc gọi cho tôi chỉ để hỏi lãi suất tiền gửi là bao nhiêu. Khách hàng tự tìm đến nhiều, không như đầu năm nay tiền khan hiếm, cứ phải đi chào mời, phải khoán định mức huy động cho tất cả nhân viên hay phải khuyến mãi, tặng quà... Nay thì điều này đã thay đổi".
 
 Tiền vẫn vào ngân hàng 
 
 Tuy lãi suất hạ nhưng nhiều khách hàng được hỏi cho biết họ chưa có ý định chuyển sang đầu tư vào các kênh khác như bất động sản, chứng khoán, vàng... vào thời điểm này.
 
 Với các kênh đầu tư này còn phải cân nhắc và mất thời gian chờ đợi, không thể rút tiền từ ngân hàng là đầu tư ngay được. Mua bất động sản thì lo ngại cung vẫn lớn hơn cầu nhiều, dự báo giá còn tiếp tục giảm, vàng và chứng khoán cũng được cho là có nhiều rủi ro.
 
 Chuyển từ tiền đồng sang USD để gửi tiết kiệm cũng không ăn thua bởi lãi suất USD quá thấp (2%/năm) trong lúc tỉ giá gần bất biến trong cả năm qua. 
 
 Có khách hàng cho biết, lãi suất hạ thấp sẽ rút tiền khỏi ngân hàng mang ra ngoài cho vay hoặc cầm cố thế chấp sẽ thu lợi nhuận cao hơn. Hiện nay nếu bỏ ra 400 triệu đồng cầm 1 chiếc ô tô cho người cần vay nóng có hợp đồng công chứng với mức khoảng 2.500 đồng/triệu/ngày thì mỗi ngày cũng bỏ túi triệu đồng. Chỉ cần cầm khoảng 20 ngày là hơn hẳn lãi ngân hàng.
 
 Không ít người cần vay nóng ngắn ngày không thể tiếp cận vốn ngân hàng vẫn sẵn sàng thế chấp xe, sổ đỏ. Việc cầm cố ô tô, sổ đỏ nhà đất là "nắm đằng chuôi" bởi nếu người vay không trả được nợ đúng hẹn chẳng cần phải đi đòi mà có thể bán ngay lập tức thu hồi vốn, lãi còn thừa trả lại. Tuy nhiên, số đối tượng này không nhiều. Nhiều người tin rằng trong lúc kinh tế khó khăn, sản xuất đình trệ như hiện nay thì giữ tiền vẫn là tốt nhất. 
 
 Cho dù lãi suất hạ xuống 9% nhưng gửi tiết kiệm vẫn là sự lựa chọn tối ưu. Bởi nếu lạm phát năm nay giữ được ở 7-8% và lãi suất huy động ở 9-10% thì vẫn đảm bảo nguyên là lãi suất thực dương, như vậy vẫn nên gửi. Trong lúc này các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, chứng khoán vẫn còn phải cân nhắc thì gửi tiết kiệm không chỉ giúp bảo toàn vốn, có thanh khoản mà có thể dịch chuyển dễ dàng sang các kênh đầu tư khác ngay khi cần.

(Nguồn: VietNamNet )