Thu cước hòa mạng thuê bao trả trước: Chiêu móc túi mới?
(ĐVO) Để ngăn chặn triệt để vấn nạn sim rác, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các hãng viễn thông đang lên kế hoạch thu cước hòa mạng thuê bao di động trả trước, bên cạnh quản lý chặt việc đăng ký thông tin đối với dịch vụ này.
Chỉ là cái cớ để thu lợi?

Vấn nạn sim rác là một điều rõ ràng ai cũng biết, song nhiều người tiêu dùng khi nghe nói đến việc có thể thu cước hòa mạng thuê bao trả trước thì hầu hết đều không đồng tình. 

Anh Lê Minh, chủ thuê bao trả trước 0988267xxx, cho rằng, còn nhiều cách để Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng quản lý vấn nạn sim rác, sao cứ phải thu phí. “Bản thân tôi dùng thuê bao trả trước gần chục năm nay, vẫn trung thành với một số, không bao giờ mua sim trả trước dùng hết rồi bỏ đi, mà chỉ nạp thẻ cào. Không lẽ những người như chúng tôi cũng phải trả cước hòa mạng di động trả trước, vậy thì có khác gì dùng thuê bao trả sau, trong khi cước gọi, nhắn tin và một số dịch vụ giá trị gia tăng rẻ hơn nhiều so với thuê bao trả trước".
 
Hơn nữa, theo anh Minh, trước đây các nhà mạng đua phát triển thuê bao, khuyến mãi khủng cho thuê bao hòa mạng mới, họ cũng kiếm được khá nhiều lợi nhuận. Giờ chiến lược của họ không phải là đua phát triển thuê bao nữa thì họ giảm ưu đãi cho thuê bao trả trước hòa mạng mới đi, sao cần phải thu phí? Nếu thu phí mà vẫn khuyến mãi khủng cho sim trả trước hòa mạng mới thì có khác nào đây chỉ là cái cớ để các nhà mạng lấy thêm tiền từ túi khách hàng”, anh Minh bức xúc. 

Anh Nguyễn Quang Huy, chủ thuê bao trả trước 0914311xxx đưa ra ý kiến, có nhiều cách khác để nhà mạng quản lý thuê bao trả trước mà không cần phải thu cước hòa mạng. Chẳng hạn, Bộ Thông tin và Truyền thông nên đưa ra quy định khi khách hàng đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao trả trước, họ không được dùng chứng minh thư, hộ chiếu để đăng ký hộ người khác (như chủ các đại lý SIM thẻ thường làm là lấy tên người quen đăng ký thông tin cá nhân trước cho một loạt sim trả trước rồi bán cho khách hàng). Những sim trả trước mà chính chủ chưa đăng ký thông tin cá nhân thì cấm kích hoạt. Nếu chủ thuê bao có sim đã kích hoạt, chuyển quyền sử dụng cho người khác thì người nhận phải đăng ký lại thông tin thuê bao trong một khoảng thời gian nhất định. 

Nhiều người băn khoăn nếu thu phí hòa mạng thuê bao trả trước thì những khách hàng đang dùng SIM trả trước có phải đóng phí không, hay những ai mua SIM trả trước và kích hoạt từ bây giờ mới phải đóng phí.

Nếu đưa ra quy định trên thì sẽ phát sinh trường hợp một cá nhân có thể có nhu cầu dùng nhiều thuê bao trả trước 1 lúc, nghĩa là một cá nhân đứng tên chính chủ của nhiều thuê bao trả trước, thì nên tính cước hòa mạng theo kiểu lũy tiến. Cụ thể, với sim đăng ký lần đầu thì không thu phí, còn các lần sau sẽ thu phí hòa mạng tăng dần. Chẳng hạn, lần đăng ký thứ 2 sẽ thu phí hòa mạng 50.000 đồng, lần thứ 3 thu phí hòa mạng 70.000 đồng… 

“Làm như vậy không những ngăn chặn được vấn nạn sim rác, mà những khách hàng có ý định bỏ số cũ, dùng số mới cũng sẽ phải tính toán, băn khoăn, còn các khách hàng trung thành với 1 số thuê bao trả trước vẫn không mất phí”, anh Minh nói. 

Chị Nguyễn Thị Thân, chủ thuê bao trả trước 0985676xxx đưa ra thắc mắc, nếu thu phí hòa mạng thuê bao trả trước thì những khách hàng đang dùng SIM trả trước có phải đóng phí không, hay những ai mua sim trả trước và kích hoạt từ bây giờ mới phải đóng phí? Mức phí chỉ đóng 1 lần vào lúc hòa mạng, hay đóng hàng tháng như thuê bao trả sau?

DN viễn thông: Không có chuyện tăng giá, thu lợi

Về vấn đề này, một đại diện của Viettel cho rằng, những khách hàng đang dùng thuê bao trả trước có phải đóng phí hay không và đóng như thế nào thì cần phải bàn kỹ, nhưng với những SIM trả trước đang bày bán hoặc chuẩn bị tung ra thị trường, cần tách riêng tiền SIM và tiền trong tài khoản ra. Nghĩa là khi khách mua sim trả trước và đăng ký thông tin, kích hoạt, họ được sở hữu đầu số đó, song tài khoản trong SIM là 0 đồng. Chủ sim phải mua thẻ cào để nạp thì mới nghe, gọi, nhắn tin và sử dụng các dịch vụ khác được. Khi đó, giá của chiếc sim trả trước này chính là cước hòa mạng thuê bao trả trước. Nếu như khách hàng dùng thuê bao trả sau phải đóng cước thuê bao hàng tháng thì dùng thuê bao trả trước chỉ phải đóng cước hòa mạng lần đầu.

Theo vị này, mức cước hòa mạng thuê bao trả trước này được một số nhà mạng đề cập trong cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua chỉ rơi vào khoảng 15.000 đồng. Việc nạp thẻ cào cũng chỉ được hưởng mức ưu đãi 50% như các thuê bao cũ và khi nào nhà mạng có đợt khuyến mãi thì mới được hưởng. Hiện, nhiều nhà mạng cho phép các thuê bao trả trước mới kích hoạt được hưởng khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp khi nạp 5 thẻ cào đầu tiên. Bên cạnh đó, khi mua 1 sim trong tài khoản đã có 1 số tiền nhất định, lúc kích hoạt thì số tiền trong tài khoản sẽ được hưởng khuyến mãi 100% thay vì 50% như thẻ cào dành cho những thuê bao cũ. Vì được hưởng nhiều ưu đãi hơn nên khách hàng có xu hướng chọn mua sim mới dùng hết khuyến mãi thì bỏ đi, thay vì mua thẻ cào, khiến lượng thuê bao ảo ngày càng nhiều. 

Ông Mai Văn Bình, Tổng giám đốc MobiFone, cho hay, nhà mạng đồng tình với việc thu cước hòa mạng SIM trả trước, bởi một trong những vấn nạn khiến các nhà mạng đau đầu đó là sim rác và việc dùng sim thay cho thẻ cào, chứ không phải nhà mạng muốn thu thêm lợi nhuận. Trong cuộc họp giữa các mạng di động với Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua, chính MobiFone và Viettel đã đề xuất ý tưởng thu phí hòa mạng với các thuê bao di động trả trước, nhằm tránh vấn nạn sim rác, lừa đảo di động, bảo quản kho tài nguyên số. 

Theo ông Bình, con số thống kê năm 2011 của MobiFone cho thấy, MobiFone tung ra thị trường 30 triệu SIM nhưng đến cuối năm chỉ giữ lại được 500.000 SIM (khoảng 1,66%).

Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom Tào Đức Thắng cho biết, hiện Viettel có gần 50 triệu thuê bao đang quản lý trên toàn hệ thống, trong đó chủ yếu là thuê bao trả trước. Tỷ lệ sim trả trước ở lại với nhà mạng chỉ chiếm một phần, còn đa số sim trả trước có tuổi đời khá ngắn. 

Còn đại diện Vinaphone, bà Nguyễn Thu Hồng, phụ trách truyền thông, cho hay, Vinaphone hiện có 30 triệu thuê bao đang quản lý trên hệ thống, trong đó thuê bao trả sau chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. 

Theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, đề xuất thu cước hòa mạng thuê bao di động trả trước chỉ là vấn đề cân đối lại các khoản cước đang áp dụng đối với người dùng di động, tuyệt đối không có chuyện tăng giá, cũng không phải thu thêm lợi. "Việc cân bằng chính sách, khuyến mãi, không phân biệt thuê bao cũ hay mới, trả trước hay trả sau sẽ hạn chế tình trạng sim rác. Bởi khi đó, những khách hàng hòa mạng trả trước mới là những khách hàng có nhu cầu thực sự, tránh lượng thuê bao ảo như hiện nay", ông Thắng nói. 
(Nguồn: BAODATVIET )