Hành xử hiếu chiến của TQ dễ dậy sóng 'bài Hoa' ở nước ngoài
Cựu chủ biên tạp chí Far Eastern Economic Review chuyên các vấn đề khu vực,ông Philip Bowring, phê phán cách dạy sử của Trung Quốc và cho rằng thái độ ứng xử của nước này có nguy cơ dẫn đến “làn sóng bài Hoa” ở nước ngoài.
Nhà phân tích Philip Bowring - cựu chủ biên tạp chí Far Eastern Economic Review (đã đóng cửa) chuyên các vấn đề khu vực  - nhận định rằng cách thức dạy sử của Trung Quốc, nhất là trong các trường học, đã gây khó khăn cho việc giải quyết bất đồng về biển đảo. Theo ông, sách lịch sử của Trung Quốc đang có xu hướng bị sửa đổi để biện minh cho các hoạt động bành trướng của nước này.

Vụ liên quan bãi cạn Scarborough là một ví dụ. Bãi này nằm cách đảo Luzon của Philippines 135 hải lý, nhưng cách Hoa lục tới 350 hải lý. Bãi cạn này còn nằm trong khu vực Đặc quyền kinh tế của Philippines.

Để minh chứng cho tuyên bố chủ quyền của mình, bất chấp các chi tiết địa lý rành rành ở trên, Trung Quốc quay sang sử dụng cái mà nước này gọi là "bằng chứng lịch sử".

Bằng chứng mà Bắc Kinh đưa ra là bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham cùng vùng biển xung quanh đã được mô tả trong một bản đồ Trung Quốc có từ thế kỷ 13. Chi tiết một tàu thủy của người Trung Quốc đã cập vào đảo Hoàng Nham và ghi nhận sự tồn tại của bãi đá này trở thành một trong các chứng cứ về chủ quyền.

Trung Quốc cũng chứng minh chủ quyền đối với nhiều hòn đảo bằng cách thức như vậy. Bắc Kinh cũng lớn tiếng tuyên truyền về nhà hàng hải Trịnh Hòa thế kỷ 15 mà Trung Quốc coi là người khai phá nhiều vùng biển mới.

Tuy nhiên, nhà phân tích Philip Bowring chỉ ra rằng lịch sử cho thấy người Trung Quốc thực ra tới Biển Đông muộn hơn so với người nhiều dân tộc khác như người Indonesia, người Malay, người Philippines và người Việt.

Người Indonesia có lịch sử viễn dương vượt xa người Trung Quốc. Cả nghìn năm trước các chuyến đi của đô đốc Trịnh Hòa, người Indonessia đã chiếm cứ hòn đảo lớn thứ ba thế giới là Madagascar, cách Indonesia 4.000 dặm. Ngôn ngữ và dòng nhân chủng của Madagascar có tới 50% là gốc gác Malay.

Tóm lại, theo ông Philip Bowring, cả hai luồng chứng cứ mà Trung Quốc đưa ra - "người Trung Quốc đã đặt chân tới đó đầu tiên" và "Trung Quốc có bằng chứng lịch sử" -  đối với nhiều vùng biển đảo đều không thực sự thuyết phục.

Cây bút Philip Bowring cho rằng Bắc Kinh cần dừng lại để lắng nghe phản ứng của các nước khác trước khi quá muộn. Trong một bài phân tích khác về khía cạnh này, ông cho rằng người Hoa ở nước ngoài, nhất là ở các nước Đông Nam Á, cần thận trọng về bất cứ biểu hiện gì về ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

So sánh với các nước khác trong khu vực, người gốc Hoa ở Philippines được cho là hội nhập tương đối tốt. Người Hoa bắt đầu vào Philippines số lượng lớn từ nhiều thế kỷ qua và thông qua hôn nhân với người bản địa họ dần dần thâm nhập vào trong xã hội đến mức ngày nay nhiều khi khó có thể phân biệt được đâu là người gốc Hoa, chí ít là qua tên gọi. Thí dụ cựu Tổng thống Corazon Aquino, thân mẫu Tổng thống Benquino Aquino hiện tại, là người gốc Hoa với họ là Cojuangco, nhưng nghe tên không thì khó có ai biết điều này.

Thế nhưng, cách hành xử của Trung Quốc đang khiến tình hình trở nên phức tạp tại những nơi mà dân nhập cư gốc Hoa đã hội nhập đáng kể. Nếu như có ai đó bị ảnh hưởng bởi làn sóng bài Trung Quốc, thì trước hết sẽ là các doanh nghiệp bản địa nhỏ của người gốc Hoa.
(Nguồn: datviet )