9 nhân vật quan trọng nhất lịch sử Facebook
Facebook top 9 :

1. Sean Parker – chủ tịch đầu tiên của Facebook
2. Peter Thiel – nhà đầu tư đầu tiên của Facebook
3. Chris Cox
4. Nhà đồng sáng lập Dustin Moskovitz
5. Adam D'Angelo
6. Sheryl Sandberg
7. Jeff Rothschild
8. Andrew Bozworth
9. David Ebersman
Thành công của Facebook thường được nhắc đến cùng với tên tuổi của nhà đồng sáng lập Mark Zuckerberg. Tuy nhiên, Facebook trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh còn nhờ nhiều cá nhân kiệt xuất khác. Dưới đây là những người được đánh giá cao nhất, theo bình chọn của nhân viên Facebook:

1. Sean Parker – chủ tịch đầu tiên của Facebook

 

Sean Parker là người hỗ trợ rất nhiều cho nhà sáng lập Mark Zuckerberg những ngày đầu “bỡ ngỡ”. Trong lần phát động vốn bên ngoài đầu tiên của Facebook, ông không ngừng nhắc nhở Zuckerberg rằng nếu anh không cẩn thận, bất cứ nhà đầu tư nào cũng có khả năng giành lấy quyền điều hành công ty.

Công lao thứ hai của Sean Parker là giúp người dùng Facebook được quyền đăng tải hình ảnh. Ban đầu, Mark Zuckerberg không thích tính năng này. Sean Parker đã thuyết phục Zuckerberg thành công và hiện nay, khả năng chia sẻ hình ảnh là một trong những lý do chính khiến người dùng đến với Facebook.


Sean Parker giữ vị trí chủ tịch Facebook từ tháng 6/2004 đến tháng 1/2006. Hiện ông là nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Causes, một công ty chuyên về dịch vụ trực tuyến và mạng, và là đồng quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund.

2. Peter Thiel – nhà đầu tư đầu tiên của Facebook

 

Peter Thiel là nhà đầu tư đầu tiên của Facebook đồng thời là cố vấn cho Zuckerberg trong thời gian dài sau đó.


Ngày 27/09/2004, Peter Thiel mua 9% cổ phần Facebook với số tiền 500.000 USD, trở thành nhà đầu tư bên ngoài đầu tiên của công ty. Khoản đầu tư này có giá trị rất lớn. Trước ấy, Facebook hoạt động nhờ nguồn viện trợ của bố mẹ nhà sáng lập Zuckerberg.


Peter Thiel luôn tin rằng Facebook có thể phát triển xa hơn một trang mạng cho sinh viên đại học. Zuckerberg luôn biết ơn Thiel vì đã dự đoán một cuộc suy thoái sắp diễn ra năm 2007 và khuyến khích Facebook nên nhận khoản đầu tư khổng lồ từ Microsoft.

3. Chris Cox
 

 

Một nhân viên của Facebook đã khẳng định “Chris Cox chắc chắn phải có trong danh sách này”.


Cox tham gia Facebook với vai trò kỹ sư vào năm 2005, giúp xây dựng tính năng “xương sống” của Facebook: “News Feed”.


Năm 2008, sau khi Facebook mất đi một số nhân viên chủ chốt và không thành công trong việc tuyển dụng người thay thế, Mark Zuckerberg đã đề nghị Chris vực lại nguồn nhân sự của công ty. Zuckerberg đã chọn đúng người, Chris Cox đã tập trung xác định định hướng của Facebook, các giá trị công ty, giá trị sản phẩm, và cách Facebook quản lý con người.

4. Nhà đồng sáng lập Dustin Moskovitz
 
 

Có một giai đoạn trong lịch sử Facebook – khoảng mùa thu năm 2004 - Mark Zuckerberg, theo lời kể của những người làm việc tại Facebook, không còn quan tâm nhiều tới mạng xã hội do chính anh thành lập.


Cụ thể, Zuckerberg đã nghĩ rằng Facebook thật là phù phiếm và dành tâm trí cho các dự án khác, đặc biệt là một dịch vụ chia sẻ file có tên Wirehog.


Nhà đồng sáng lập Dustin Moskovitz thì khác, anh luôn nhìn thấy cơ hội và thúc đẩy Zuckerberg tập trung trở lại vào Facebook.


Với vai trò giám đốc điều hành (COO) đầu tiên của Facebook, Moskovitz làm tất cả mọi thứ để giữ cho hoạt động của công ty được liền mạch trong 36 tháng đầu tiên. Moskovitz tuyển dụng toàn bộ đội ngũ đầu tiên của Facebook và luôn khích lệ họ làm việc.

5. Adam D'Angelo
 
 

Adam D'Angelo – giám đốc công nghệ (CTO) đầu tiên của Facebook – gặp Mark Zuckerberg khi họ cùng học trường nội trú Exeter.


Tốt nghiệp trung học, D'Angelo tới học tại Stanford, Zuckerberg học tại Harvard và họ vẫn thường xuyên giữ liên lạc. Một số bài báo đã tiết lộ một đoạn hội thoại giữa hai người, mà từ đó, chúng ta nhận thấy D'Angelo đóng một vai trò quan trọng trong ý tưởng về Facebook.


Trong đoạn hội thoại khá dài, Zuckerberg quyết định không làm việc cho bất kỳ ai, anh muốn tự gây dựng công ty và xây dựng một sản phẩm. Chính D'Angelo đã đề nghị “chúng ta có thể tạo ra một mạng xã hội kiểu Friendster”.

6. Sheryl Sandberg
 

 

Sheryl Sandberg gia nhập Facebook năm 2008. Trước đó cô đã từng làm việc cho Google. Sheryl Sandberg ngay lập tức có sức ảnh hưởng bền vững đối với Facebook. Chính cô là người giới thiệu các thang đánh giá hiệu suất, tuyển dụng một lực lượng nhân tài Google sang làm việc cho Facebook và cùng họ xây dựng mảng kinh doanh quảng cáo đem về hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm.


Hiện tại, Sheryl Sandberg được coi là giám đốc điều hành mảng kinh doanh của Facebook, giám sát việc gây quỹ, vận hành và doanh số. Với những nỗ lực của mình, Sheryl Sandberg có khả năng trở thành một trong những tỷ phú tự lập (self-made billionaire) tiêu biểu nhất thế giới.

7. Jeff Rothschild
 

 

Jeff Rothschild là người có công ngăn Facebook đi vào vết xe đổ của Friendster.


Sau khi Accel Partners đầu tư vào Facebook năm 2006, hãng đã cử nhà tư vấn Jeff Rothschild sang hỗ trợ tạm thời cho Facebook. Nhiệm vụ của ông là giữ cho trang Facebook lấy lại thế cân bằng trên đà phát triển quá nhanh.


Mark Zuckerberg muốn tránh đi vào vết xe đổ của Friendster – một mạng xã hội phát triển quá nhanh để rồi sau đó suy giảm dần và đánh mất người dùng. Rothschild đã không để cho điều đó xảy ra.

8. Andrew Bozworth
 

 

Trước đây, Facebook chỉ là một bộ sưu tập các hồ sơ người dùng tĩnh. Để tìm hiểu thông tin mới nhất về bạn bè, bạn phải truy cập hồ sơ cá nhân của họ. Năm 2006, Facebook giới thiệu News Feed – trang tổng hợp những hoạt động mới nhất của bạn bè trên Facebook cho người dùng tiện theo dõi.


Chính Andrew Bozworth là kỹ sư trưởng phụ trách việc phát triển News Feed. Nhân viên Facebook gọi anh với tên thân mật “Boz”. Boz cũng dẫn đầu đội phát triển các tính năng chat, gọi video và email của Facebook. 

9. David Ebersman
 

 

Giám đốc tài chính (CFO) David Ebersman được mệnh danh là “trí tuệ thầm lặng và quyền lực đứng sau mảng tài chính”.


Các vấn đề tài chính không được Mark Zuckerberg quan tâm. Anh giao trách nhiệm này cho Sheryl Sandberg và Sandberg lại bổ nhiệm David Ebersman.


Năm 2011, David Ebersman là người giữ vai trò chủ đạo trong hai thương vụ lớn: Năm 2011, ngân hàng Goldman Sachs đầu tư vào Facebook với định giá 50 tỷ USD; Thương vụ thứ hai đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Facebook sắp diễn ra tới đây.

(Nguồn: genk.vn )