Sẽ có chế tài mạnh để xử lý những vi phạm gian lận
Nói về vấn đề mũ bảo hiểm, xăng dầu kém chất lượng đang khiến dư luận bức xúc, TS. Vũ Văn Diện, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã khẳng định như trên tại buổi lễ tổng kết kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổng cục (6/4/1962-6/4/2012).

- Đóng góp lớn nhất của ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong thời gian qua đối với nền kinh tế, xã hội là gì thưa ông?

TS. Vũ Văn Diện: Đó là sự kiện Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật- bộ luật chuyên ngành đầu tiên trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) được xây dựng và được Quốc hội thông qua năm 2006. Tiếp theo là Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 và Luật đo lường năm 2011. Như vậy cả ba lĩnh vực chuyên ngành hẹp là Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng đã có những bộ luật hoàn chỉnh và các văn bản hướng dẫn cũng lần lượt được ban hành. Ba bộ Luật này là những khâu xâu chuỗi lại quá trình nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam để có thể cạnh tranh được với quốc tế.

TS. Vũ Văn Diện
-Để sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh được với quốc tế, vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa cần phải được đặt lên hàng đầu. Vậy, theo ông chất lượng hàng hóa của Việt Nam hiện nay ra sao?

Chất lượng sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam hiện nay có tiến bộ so với giai đoạn trước đây. Về thị trường hàng hoá Việt Nam ngày càng dồi dào, đa dạng, đáp ứng đáng kể những nhu cầu rất đa dạng của người tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp. Về chất lượng hàng hoá và dịch vụ ngày càng được cải thiện; chủng loại, kiểu cách, mẫu mã ngày càng phong phú hơn, hấp dẫn hơn nhiều. Nhiều loại sản phẩm trước đây chất lượng yếu kém triền miên nay đã được cải thiện rõ rệt và được người tiêu dùng chấp nhận. Một số mặt hàng trước đây bị hàng ngoại lấn át, nay đã cạnh tranh được với hàng ngoại, chất lượng hàng xuất khẩu cũng được cải thiện…

-Vấn đề rào cản kỹ thuật trong thương mại ngày càng khắt khe với các mặt hàng xuất khẩu. Tổng cục có kế hoạch chiến lược gì để ngăn hàng kém chất lượng nhập vào Việt Nam và nâng chất lượng hàng Việt Nam khi xuất khẩu thưa ông?

Thực tế, có thể giải thích tình trạng hàng hóa gặp rắc rối khi vào một thị trường nào đó là do quy chuẩn kỹ thuật/quy định của nước nhập khẩu cao hơn; tình trạng hàng hóa kém chất lượng tràn vào là do nước nhập khẩu chưa có quy chuẩn/ quy định thích hợp. 

Để khắc phục tình trạng trên, hiện chúng tôi đã xây dựng Chương trình quốc gia "Năng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020". Chương trình đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có nhiệm vụ: “Phát triển hệ thống TCVN đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, cập nhật với tiến bộ của KH&CN, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế... 

-Đến nay Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đã có bao nhiêu phần trăm hài hòa và phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn của thế giới?

Việt Nam hiện có số tiêu chuẩn quốc gia đứng hàng đầu trong các nước ASEAN, chỉ thấp hơn Inđônêxia hiện có trên 7.200 tiêu chuẩn quốc gia SNI. Các TCVN là căn cứ kỹ thuật quan trọng phục vụ quản lý, sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Việt Nam đã quan tâm đến việc hài hoà các Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Các kế hoạch xây dựng TCVN đã dành ưu tiên cho việc hài hoà TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, nước ngoài tiên tiến.


Kiểm tra chất lượng xăng dầu tại Lâm Đồng.

-Mặc dù đã có những chế tài cụ thể đối với các vấn đề như chất lượng xăng dầu, mũ bảo hiểm kém chất lượng…nhưng hiện tại, vấn nạn này vẫn đang khiến xã hội “đau đầu”? Với tư cách là cơ quan trực tiếp thực thi vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa, thời gian tới Tổng cục TĐC sẽ có những biện pháp cụ thể gì để giải quyết triệt để tình trạng này?

Thời gian qua Tổng cục cũng đã phối với với Thanh tra bộ tiến hành nhiều đợt thanh tra chuyên đề, tuyên truyền bổ biến cho các doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân thực hiện các quy định của nhà nước đồng thời xử lý được nhiều cơ sở vi phạm về chất lượng cũng như tiêu chuẩn. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tiến hành thành tra chất lượng xăng dầu trên cả nước.

Thực tế, chất lượng xăng dầu, mũ bảo hiểm của cơ sở sản xuất có đăng ký, làm ăn chân chính, của những doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch đều tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan. Việc này cũng đúng với các sản phẩm, hàng hóa khác, chúng ta kiểm soát được tương đối tốt. Tuy nhiên ở khâu lưu thông phân phối trên thị trường, tình trạng gian lận, hàng giả, hàng nhái, nhập lậu đang là vấn đề nhức nhối. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến công tác quản lý chất lượng, đến bảo vệ sản xuất kinh doanh chân chính.

Thời gian tới Tổng cục sẽ tham mưu cho Bộ KH-CN điều chỉnh lại những quy định pháp luật liên quan tới  chất lượng sản phẩm hàng hóa và tiêu chuẩn để việc xử lý cần phải mạnh hơn nữa. Mức xử phạp hành chính cũng như những tội danh quy định xử lý bằng hình sự phải được xử lý nghiêm. Quan trọng nhất là phải có chế tài đủ mạnh để có thể xử lý những hành vi vi phạm.

-Xin cảm ơn ông!

Chỉ tính riêng năm 2011, Tổng cục Tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng (TCĐLCL) đã tiến hành thanh, kiểm tra mặt hàng xăng dầu đối với 101 cơ sở kinh doanh xăng dầu trong cả nước. Kết quả, ở phía bắc, số mẫu xăng dầu không đạt chất lượngchiếm 2,6%; phía Nam: 21%; Miền Trung và Tây Nguyên: 23%. Kiểm tra 145 nhãn hiệu mũ bảo hiểm có 29 nhãn hàng hóa không phù hợp; 17/18 mẫu không đạt về độ bền va đập và hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên. Kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em tại 84 cơ sở kinh doanh trong cả nước, có tới 108/229 mẫu đồ chơi trẻ em tại 28 cơ sở phía Nam ghi nhãn không phù hợp.  

(Nguồn: Đất Việt Online )