Bắc Kinh “thoát chết trong gang tấc”
Hôm qua (31/1), tờ Dailymail tiết lộ một thông tin gây sốc: Bắc Kinh đã từng “thoát chết trong gang tấc”. 7 phút đã cứu được những khu vực rộng lớn ở Bắc Kinh khỏi bị phá hủy trong năm ngoái khi một vệ tinh nặng 2,5 tấn lao xuống trái đất.

Thủ đô của Trung Quốc nằm trực tiếp trên đường bay của vệ tinh nghiên cứu có tên là Rosat của Đức khi nó lao xuống vịnh Bengal hồi tháng 10 năm ngoái sau hai thập kỷ được phóng đi.

Nếu vệ tinh 2, 5 tấn trên lao xuống thành phố Bắc Kinh thì hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Nó sẽ tạo ra những hố sâu khổng lồ, phá hủy hoàn toàn những con đường, gây ra những vụ nổ và san phẳng các ngôi nhà. Chưa kể, tổn thất về con người ở thành phố 20 triệu dân sẽ không thể tính toán nổi.

Vệ tinh khổng lồ của Đức “đã ở khoảng cách gần một cách nguy hiểm” đủ để lao thẳng xuống thủ đô Bắc Kinh với tốc độ gần 500km/giờ, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết.

“Bắc Kinh nằm trực tiếp trên đường bay của vệ tinh và các nhà khoa học không có cách nào để kiểm soát nó một khi nó đã bị hỏng”, ông Manfred Warhaut đến từ Trung tâm Vũ trụ Châu Âu ở Darmstadt, Đức, cho hay.

“Theo tính toán của chúng tôi, nếu vệ tinh Rosat lao xuống mặt đất chỉ trong vòng từ 7 đến 10 phút sau đó thì nó sẽ rơi xuống thủ đô Bắc Kinh”, ông Heiner Klinkrad, người đứng đầu nhóm nghiên cứu những mảnh vỡ trên vũ trụ thuộc ESA cho biết.

Rosat nặng 2,5 tấn. Thông thường, khoảng 20 đến 40% mảnh vở từ vệ tinh sẽ rơi xuống trái đất khi nó thoát ra khỏi quỹ đạo. Tuy nhiên, “với Rosat, chúng tôi biết rằng sẽ có khoảng 60% mảnh vỡ của vệ tinh rơi xuống trái đất bởi nó được làm bởi những vật liệu nặng và rất bền”, ông Klinkrad nói thêm.

Rosat là một trong những thứ liên quan đến “mảnh vỡ trên vũ trụ” rơi gần trái đất nhất từ trước đến nay .

Rosat đã được phóng lên vũ trụ hôm 1/6/1990 để tìm kiếm nguồn phóng xạ từ tia X. Theo kế hoạch, vệ tinh này chỉ làm nhiệm vụ trong khoảng 18 tháng nhưng nó đã ở trên vũ trụ để thu thập số liệu về các hố đen trong suốt 9 năm. Rosat bắt đầu rơi xuống trái đất hôm 22/10/2011 sau khi ở trên vũ trụ thêm 11 năm nữa

Một chuyên gia vũ trụ cho biết, 10 phút trên vũ trụ là một thời gian rất dài. Vệ tinh thường bay với tốc độ nhanh đến mức “nếu nó rơi xuống trái đất 1 phút trước nó có thể ở Siberia nhưng rơi chậm 1 phút sau có thể ở Biển Thái Bình Dương”.

(Nguồn: Vnmedia )