Bộ trưởng Tài chính: 'Về nhà, tôi là phó'
Tác động của việc tăng giá điện 5% tới lạm phát và cả việc quản lý chi tiêu trong gia đình cũng được Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trả lời ở buổi đối thoại trực tuyến tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chiều 17/1.

- Xin Bộ trưởng cho biết đợt tăng giá điện vừa qua tác động thực tế bao nhiêu % đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI)? Cơ sở nào để tính ra con số đó? Trong năm 2012, dự kiến giá điện sẽ tăng khoảng bao nhiêu và Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ hộ nghèo? (Đỗ Thị Mai - nhân viên bán hàng ở siêu thị tại Hà Nội)

- Các cơ quan chuyên môn tính toán rằng khi giá điện tăng sẽ tác động đến CPI qua 2 vòng. Một là qua trực tiếp chi phí (tùy định mức kinh tế - kỹ thuật từng ngành. Ví dụ sản xuất thép thì điện chiếm 1% giá thành). Theo thống kê, cứ tăng một phần trăm giá điện thì tác động ở vòng này 0,0246%. Như vừa rồi tăng 5% thì tác động vào chỉ số giá 0,153%. Tác động tại vòng 2 gấp khoảng hai lần, nghĩa là giá điện tăng một phần trăm thì tác động tăng 0,0492% CPI. Tính cả 2 vòng thì CPI tăng 0,369% do giá điện.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Ảnh: Chinhphu.vn
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: "Làm cán bộ là công bộc của dân, không thể muốn sử dụng tài sản thế nào cũng được" . Ảnh: Chinhphu.vn

Cần nhớ là khi tăng giá điện, Nhà nước đều tuyên bố chính sách hỗ trợ người nghèo. Đợt tăng vừa rồi không điều chỉnh ở mức 0 - 100 kWh. Mặt khác, những hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp 30.000 đồng. Như vậy, ngoài việc điều chỉnh giá để sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, đảm bảo đủ điện, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp người nghèo.

- Tôi thấy mức thuế thu nhập doanh nghiệp và một số loại phí khác ở Việt Nam hiện còn cao hơn nhiều nước. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và cách giải quyết để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện khó khăn? ( Vũ Việt Thành)

- Về tài khóa, ai cũng phấn đấu thu nhiều để chi nhiều. Nhưng ngành Thuế còn phải động viên sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng nguồn thu và phải khoan sức dân trong nhiều giai đoạn, tạo nguồn thu lâu dài. Chính sách Thuế tới 2012 được Chính phủ phê chuẩn theo định hướng này.

Trước 2004, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đóng thuế 25% thì doanh nghiệp trong nước phải đóng 32%, sau đó giảm xuống 28%. Hiện nay, mức thuế chung là 25%, còn tính bình quân các nước là 27%. Định hướng chiến lược thuế đến 2020 sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 20% để khuyến khích sản xuất kinh doanh tốt hơn.

Năm nay, Chính phủ quyết định giãn thuế thu nhập doanh nghiệp thêm 3 tháng nữa với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động. Ngoài ra sẽ tùy diễn biến tình hình để có giải pháp phù hợp.

"Tôi có lẽ cũng học hỏi được bà xã trong quản lý tài khóa". Ảnh: Chinhphu.vn

- Tôi ở một huyện miền núi. Tuy là một huyện nghèo nhưng tôi thấy mỗi lần thay đổi Chủ tịch huyện thì Chủ tịch mới lại mua xe ôtô mới rất đắt tiền chứ không sử dụng xe của Chủ tịch cũ, mặc dù vẫn còn rất tốt. Đây có phải là quy định của nhà nước không?(Nguyễn Văn Cầu)

- Về xe công, từ Bộ trưởng đến Chủ tịch huyện đều có tiêu chuẩn, định mức cụ thể. Đối với Chủ tịch huyện, có tiêu chuẩn sử dụng xe có mức giá mua tối đa là 750 triệu đồng. Khi Chủ tịch mới lên nhậm chức, nếu xe còn mới, còn tốt, trong hạn mức sử dụng thì dứt khoát là phải dùng xe đó. Nếu mua xe mới là vi phạm.

Theo phản ánh của bạn, chúng tôi sẽ kiểm tra lại, phối hợp với chính quyền địa phương xem xét xử lý theo quy định. Làm cán bộ là công bộc của dân, nên không thể muốn sử dụng tài sản thế nào cũng được.

- Làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi hiểu nôm na là quản lý chi tiêu của một đất nước. Vậy khi ở nhà, Bộ trưởng có quản lý chi tiêu luôn không? (Lê Thị Nga - Hải Hậu, Nam Định)

- Hầu như hoàn toàn là ngược lại và việc này tôi nghĩ thích hợp hơn với phụ nữ. Tại Cơ quan thì chúng tôi là “Trưởng” nhưng về nhà thì thành “Phó”. Đối với phụ nữ Việt Nam nói chung, cũng như đối với vợ tôi, chắc chắn việc quản lý ngân quỹ, tính toán chi tiêu gia đình có thời gian nhiều hơn, chặt chẽ hơn, nên quản lý tài chính tốt hơn. Tôi có lẽ cũng học hỏi được bà xã trong quản lý tài khóa.

- Bộ trưởng có thường xuyên vào mạng internet và sử dụng mạng xã hội như một kênh để tiếp cận thông tin, các phản hồi chính sách hay không? (Nguyễn Minh Trung)

- Tôi cũng sử dụng máy tính bảng và truy nhập internet thường xuyên, mọi lúc mọi nơi, lúc nghỉ trưa, lúc thư giãn, trên ôtô, chờ đợi ở sân bay và trước khi đi ngủ, khi ngủ dậy… Về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, chắc là tôi không thạo bằng con gái. Nhưng tiếp thu ý kiến độc giả, tôi sẽ sử dụng công cụ này để giao lưu và tiếp thu ý kiến của người dân.

Tôi lấy một ví dụ. Sáng nay, tôi có đọc tin trên mạng, thấy có chuyện các vận động viên đạt thành tích tốt tại SEA Games nhưng chưa nhận được tiền thưởng, trong khi Tết sắp đến. Cũng mong các đồng chí thông cảm vì SEA Games kết thúc vào cuối năm, các thủ tục hành chính thì cũng phụ thuộc vào các văn bản Bộ chủ quản chuyển sang. Tôi đã kiểm tra lại và thấy các văn bản này cũng mới được chuyển tới vào mùng 10 tháng này.

Tuy nhiên, vào 9h sáng nay, chúng tôi đã xử lý vấn đề này. Dù một số dữ liệu chưa chính xác. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị 47,3 tỷ đồng, chúng tôi tạm ứng ngay 30 tỷ đồng để Bộ này và Tổng cục Thể dục thể thao thưởng cho các vận động viên. Như vậy, nhờ thông tin qua mạng mà xử lý được vụ việc, không phải chờ đến các văn bản của các Vụ, Cục…

(Nguồn: Vnexpress )