Biến sa mạc thành đất trồng
Dầu lửa đã biến Qatar trở thành một nước giàu có với thu nhập đầu người cao nhất thế giới nhưng nước này vẫn chưa thể “tự cung, tự cấp” thực phẩm.

Trang trại Al Sulaiteen (SAIC) nằm trong sa mạc.
Trang trại Al Sulaiteen (SAIC) nằm trong sa mạc. (Ảnh: REUTERS)

Giống các nước “thừa dầu mỏ, thiếu nước ngọt” khác ở vùng Vịnh, Qatar đã đầu tư vào những khu vực có nhiều đất nông nghiệp ở nước ngoài (Sudan, Úc, Kenya…) để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Cấp bách

Qatar còn đặt ra mục tiêu sản xuất lương thực trong nước bằng cách đầu tư lớn để tăng năng suất cây trồng và biến sa mạc thành đất nông nghiệp.

Thái tử kế vị Tamim bin Hamad bin Khalifa al-Thani vừa ban bố Chương trình An ninh Lương thực Quốc gia (QNFSP) để đối phó với “một trong những thách thức cấp bách nhất” mà Qatar đang phải đối mặt. Hiện tại, đất nước 1,7 triệu người này phải nhập khẩu đến 90% lương thực.

Chủ tịch QNFSP Fahad Bin Mohammed al-Attiya cho biết: “Qatar hiện có 1.400 trang trại và sẽ tăng lên 3.000 trang trại theo kế hoạch mới. Chúng tôi dự đoán rằng sản lượng lương thực trong nước, nếu công nghệ mới được áp dụng và thực thi có hiệu quả, Qatar có thể dễ dàng đáp ứng 60% nhu cầu thị trường trong nước”.

Ông Mohammed al-Attiya cho biết: “Thời gian thực hiện QNFSP là 10 năm. Đến năm 2024, Qatar sẽ có một hệ thống nông nghiệp vận hành đầy đủ”.

Phương pháp canh tác nông nghiệp của Qatar bao gồm trồng trọt trên đồng ruộng, trong nhà kính, tưới nước thông minh và công nghệ hiện đại vừa sử dụng ít diện tích vừa tăng năng suất cây trồng lên đến 10 lần. Một trong những trang trại điển hình là Tổ hợp Nông nghiệp và Công nghiệp phức hợp Al Sulaiteen (SAIC), nằm trong sa mạc và cách thủ đô Doha không xa.

Đầy triển vọng

Ông Mahmoud Refaat Shamardal, quản lý SAIC, cho biết tổ hợp này đang sản xuất rau, cây có hoa theo mùa trên vùng đất có diện tích 40 ha. Bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2001, SAIC đang trồng cà chua, dưa chuột, cà tím và các loại rau khác thông qua một sự kết hợp hoàn hảo giữa các hệ thống nhà kính, thủy canh và canh tác nông nghiệp truyền thống. Sau đó, sản phẩm của SAIC được cung cấp cho các siêu thị và khách sạn.

Ông Shamardal cho hãng tin Reuters biết thêm: “Chúng tôi sử dụng đất nhân tạo để sản xuất các loại rau. Với hệ thống này, chúng tôi có thể tiết kiệm khoảng 50% lượng nước; một yếu tố rất quan trọng ở Qatar”. Do các tầng nước ngầm đã bị cạn kiệt, QNFSP có kế hoạch khử muối, biến nước biển thành nước ngọt và sử dụng điện của các công viên năng lượng mặt trời.

Ông Attiya cho biết tổng chi phí cho QNFSP chưa được tính toán. Hiện Qatar không thiếu tiền và hy vọng khu vực tư nhân sẽ tham gia chương trình này. “Các nguồn tài trợ sẽ đến cả từ khu vực tư nhân và khu vực công cộng. Tất cả các chức năng điều chỉnh, nghiên cứu, giáo dục, chính sách sẽ được nhà nước lo hoàn toàn. Phần còn lại, như việc xây dựng nhà máy quang điện, nhà máy khử muối nước biển và nâng cấp các trang trại sẽ do khu vực tư nhân đảm nhiệm” - ông nói.

Nhưng nhiều nhà kinh tế và các chuyên gia nông nghiệp Qatar nói rằng kế hoạch này không có ý nghĩa kinh tế và không thực sự cần thiết do dân số quá ít ỏi. Ông Abdolreza Abbassian, chuyên gia kinh tế thuộc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, khẳng định kế hoạch này không nhiều triển vọng vì Qatar “không có nhiều đất để có thể đưa vào sản xuất nông nghiệp vì phần lớn là sa mạc và dân số rất ít”.

(Nguồn: Thanh Niên )