Mưa sao băng đầu tiên của năm
Đêm nay, trận mưa sao băng đầu tiên của năm có thể quan sát được trên bầu trời Việt Nam.
Mưa sao băng xảy ra khi trái đất quét qua các mảnh vỡ của sao chổi. Ảnh: NASA.

Trận mưa sao băng Quadrantids diễn ra từ ngày 1 đến 5/1, đạt cực điểm khoảng 7h sáng theo giờ GMT (14h Hà Nội) ngày mai.

"Tại Việt Nam khó quan sát trận mưa sao băng vào lúc cực điểm, nhưng có thể quan sát vào thời điểm lân cận như đêm nay rạng sáng ngày mai, hoặc đêm mai rạng sáng ngày kia", Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM nói.

Ông Duy cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, tránh xa nơi ô nhiễm, chọn thời điểm tốt sau 3h sáng khi chòm sao Bootes đã lên khỏi chân trời - chòm sao có ngôi sao Arcturus sáng thứ tư trên bầu trời, người yêu thiên văn Việt Nam vẫn quan sát được các sao băng của trận mưa sao với tần suất lớn này.

Ông Nguyễn Đức Phường, Phó tổng thư ký Hội thiên văn và vũ trụ Việt Nam
cho biết, tại thời điểm cực đại, số sao băng trong trận mưa lần này khoảng 40 vệt/giờ. Trong điều kiện quan sát tốt sẽ lên đến 120 vệt/giờ.

Người quan sát nên hướng mắt về phía chòm sao Bootes nơi diễn ra tâm điểm của trận mưa sao băng này. Mưa sao băng không ảnh hưởng đến mắt nên quan sát hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này bằng mắt thường là tốt nhất.

Năm 2011, hầu như tất cả các trận mưa sao băng đáng quan sát nhất đều diễn ra khi mặt trăng gần như tròn. Sự “ô nhiễm ánh sáng” tự nhiên này làm cho các sao băng mờ yếu hầu như không thể quan sát được. Tuy nhiên, trong năm nay, Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều trận mưa sao băng và hiện tượng thiên nhiên kỳ thú khác.

Mưa sao băng xuất hiện do trái đất đi vào vùng bụi vốn là tàn dư của những sao chổi. Những hạt bụi có kích thước khác nhau lao vào bầu khí quyển với vận tốc rất lớn tạo ra các sóng xung kích. Sóng xung kích nén các phần tử không khí phía trước làm cho nhiệt độ cao đến hàng nghìn độ C và bốc cháy, tạo ra những vệt sáng ở độ cao 60 -100 km. Người ta gọi những vệt sáng nhỏ ấy là sao băng.

(Nguồn: Vnexpress )