Đổi mới để nhà khoa học sống được bằng nghề
Cách can thiệp quá sâu vào quá trình xây dựng và tổ chức nhiệm vụ khoa học công nghệ; áp đặt những quy định phi lý; không giải ngân đúng thời điểm… đã khiến nhà khoa học “ngại” dùng tiền của nhà nước.

Những vướng mắc này đang dần được tháo gỡ khi đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN" vừa được Bộ KH-CN trình Chính phủ. Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH-CN tại buổi đối thoại trực tiếp cùng các nhà khoa học, độc giả do Báo Đất Việt tổ chức ngày 17/12 tại Hà Nội.

Gỡ bỏ cơ chế lạc hậu

Những vướng mắc về đầu tư tài chính luôn là câu hỏi khó trả lời và cũng thu hút nhiều nhà khoa học, độc giả quan tâm nhất. PGS.TS Nguyễn Phương Tùng, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện KH-CN Việt Nam đã gửi câu hỏi tới cho bộ trưởng. PGS Tùng bức xúc,  cứ mỗi 5 năm lại phải xây dựng lại các chương trình nhiệm vụ mục tiêu KH-CN trình Thủ tướng phê duyệt. Để đến được bước này các thủ tục hành chính, tài chính giữa bộ KH-CN và bộ Tài chính kéo dài gần 1 năm rồi lại trình Thủ tướng phê duyệt, sau đó mới đưa về Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước triển khai thực hiện. “Khoảng lặng” từ khi chuẩn bị đến lúc áp dụng vào thực tế làm mất đi tính thời sự của vấn đề cần triển khai.

Thừa nhận thực tế này là bất cập lớn nhất đối với công tác quản lý tài chính, kế hoạch trong khoa học hiện nay, TS Nguyễn Quân cho rằng đây là tàn dư lớn của cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp đã tồn tại nhiều năm. Các nhiệm vụ KH-CN khi tổng hợp vào kế hoạch hàng năm phải là đã được phê duyệt. Để được phê duyệt phải qua rất nhiều khâu thủ tục... “Như vậy, từ khi đề xuất nhiệm vụ cho tới khi nhiệm vụ được giao kinh phí thực hiện thường mất từ 15-18 tháng, tính chất thời sự của KH-CN đã bị mất đi, và các nhà khoa học phải làm việc mà mình đã đề xuất cách đó 1,5 năm, thậm chí còn nhiều hơn”, TS Quân nói. 

Thực tế này dẫn đến các đề tài, dự án nghiên cứu của năm 2011 thực chất đã được lập kế hoạch từ cuối năm 2009. Lẽ ra, từ đầu năm 2011, các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ đã phải nhận được kinh phí, song thực tế đến hết năm 2011 họ vẫn chưa được giao nên dẫn đến sự bức xúc là điều tất yếu. “Các nhà khoa học rất ngại sử dụng kinh phí nhà nước cho hoạt động nghiên cứu của mình”, TS Quân đồng cảm.

TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nêu tâm tư: trình độ nghiên cứu của Việt Nam không thua kém gì các nước khác, nhưng việc ứng dụng thành tựu khoa học-kỹ thuật còn rất kém so với nhiều nước... 

Đồng ý với quan điểm này, theo TS Nguyễn Quân có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là do mức đầu tư cho khoa học của Việt Nam quá thấp. Tính trên đầu người, bình quân mức chi cho khoa học ở Việt Nam chưa tới 10 USD trong khi mức đầu tư này xấp xỉ 1000 USD ở Hàn Quốc và các quốc gia khác. Ngay kể cả Trung Quốc mức đầu tư cho khoa học tính trên đầu người cũng cao hơn 3 lần Việt Nam.

Hãy cùng thực hiện

Dù không thể trả lời hết hàng trăm câu hỏi đã được gửi đến buổi đối thoại; song với những giải đáp vướng mắc về nguồn vốn đầu tư cho khoa học; bảo vệ quyền tác giả… nhiều nhà khoa học đã cho rằng bộ trưởng thẳng thắn nhìn vào sự thật. 
Theo TS Huỳnh Quyền, cho rằng, câu trả lời của bộ trưởng với từng vấn đề là rất thẳng thắn. Ước vọng thay đổi cơ chế lạc hậu của bộ KH-CN cũng là mong muốn chung của giới nghiên cứu. Tuy nhiên, TS Quyền cũng cho rằng không dễ gì thay đổi ngay. “Chúng tôi không cần bộ trưởng hứa mà chỉ muốn các nhà quản lý hãy cùng với các nhà khoa học, sát cánh bắt tay vào làm”, ông Quyền nói.

Bên cạnh những mong muốn gỡ bỏ vướng mắc về tài chính, theo TS Nguyễn Quân, sắp tới Bộ KH-CN sẽ thành lập tổ chức thực hiện dịch vụ định giá tài sản trí tuệ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học khi đem kết quả nghiên cứu góp vốn vào doanh nghiệp. Hiện có tình trạng nhà khoa học chuyển giao "chui" kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp. Vì thế nhiều đề tài nghiên cứu bằng kinh phí nhà nước không được định giá đúng với giá trị thực của nó. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, đây là cách bán rẻ chất xám mà cả nhà nước và nhà khoa học đều thiệt thòi.

Với những đổi mới đang được thực hiện, Bộ KH-CN tin tưởng sẽ có những sản phẩm tương xứng với quốc gia, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đặc biệt các nhà khoa học có thể sống được bằng chất xám của mình một cách đàng hoàng và trở thành doanh nhân khoa học.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân: “Tôi còn nợ các nhà khoa học 2 việc: Một là, cơ chế tài chính cho KH-CN; hai là, chính sách đãi ngộ và trọng dụng các nhà khoa học. Với đề án đổi mới mà chúng ta đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng và với những nỗ lực khác nữa, hy vọng trong nhiệm kỳ này, chúng tôi sẽ giải quyết được về cơ bản hai vấn đề trên và  "trả được nợ" cho các nhà khoa học”.

(Nguồn: Báo Đất Việt )