Các bác sĩ chuyên khoa nhiễm đang trực tiếp điều trị
nhận định, tình hình tay chân miệng diễn biến rất phức tạp, bởi nhiều
tháng rồi, số ca bệnh không giảm một cách đáng kể.
|
Bệnh nhi tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Thiên Chương |
Sáng nay, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, nơi được xem là
tuyến cuối trong điều trị bệnh tay chân miệng có hơn 180 bệnh nhân,
trong đó gần nửa là trẻ ở TP HCM, số còn lại đến từ các tỉnh thành lân
cận như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Bệnh nhân quá đông khiến các bác sĩ, điều dưỡng hầu
như phải tất bật từ sáng sớm để thăm khám, theo dõi. Đặc biệt là một số
em bị biến chứng nặng. “Chúng tôi hầu như không có thời gian ngưng tay
trong suốt ca trực của mình”, một điều dưỡng nói.
Về phía bệnh nhi, do lượng trẻ nhập viện quá đông,
không ít bé phải nằm hành lang. Chuyện nằm giường đôi đã không còn là
chuyện lạ với các phụ huynh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm cho biết, ở
những năm trước, bệnh có khoảng thời gian giảm ca song từ đầu năm đến
nay, số bệnh nhân nhập viện hầu như không giảm. Số trẻ nằm viện điều trị
chưa bao giờ dưới 130 cháu, trong đó thường xuyên có trường hợp biến
chứng. “Diễn biến bệnh còn rất phức tạp”, ông Khanh nhận xét.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ Trương Quang Định,
Phó giám đốc cho biết, số ca nằm viện không tăng vẫn không có dấu hiệu
giảm. Mỗi ngày khoa Nhiễm của bệnh viện này có hơn 100 trường hợp nằm
viện. Số nhập viện mới cũng hàng chục em.
“Chưa bao giờ tình hình tay chân miệng lại khiến chúng
tôi quay cuồng với bệnh nhân suốt cả năm như thế này”, bác sĩ Trần Thị
Thúy, Phó khoa Nhiễm chia sẻ.
Thống kê từ Trung tâm y tế dự phòng TP HCM, cho biết,
từ đầu năm đến nay đã có hơn 11.000 trường hợp mắc bệnh với 29 ca tử
vong. Hiện mỗi tuần có khoảng 320 trường hợp, tăng hơn 4 lần cùng kỳ năm
trước.
|
Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
Tại Đồng Nai, bác sĩ Nguyễn Trọng Nơi, Phó giám đốc
Bệnh viện Nhi đồng tỉnh này cũng cho biết, hiện có khoảng 100 bệnh nhi
tay chân miệng nằm viện. Tuy nhiên con số này chưa chính xác bởi nhiều
bé được bố mẹ đưa thẳng về TP HCM để điều trị.
Các tỉnh miền Trung, ngoài Ninh Thuận đã công bố dịch, tình hình bệnh tay chân miệng của các tỉnh khác cũng diễn biến phức tạp.
Tại Bình Định tính đến sáng nay đã ghi nhận hơn 1.100
ca bệnh tay chân miệng, trong đó đã có 4 trẻ tử vong. Ông Lê Quang Hùng,
Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Định nhận định bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn
biến phức tạp, đang được ngành y tế từ tuyến xã đến tỉnh theo dõi chặt
chẽ.
Tại tỉnh Quảng Nam ghi nhận hơn 540 trường hợp mắc
bệnh tay chân miệng tính từ đầu năm, trong đó đã có hai trẻ đã tử vong.
Tính đến đầu tháng 11, các trung tâm y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng đã
tiếp nhận và điều trị 2.000 ca. Riêng TP Đà Nẵng có gần 570 ca bệnh
khiến Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho rằng bệnh tay chân miệng có
chiều hướng tăng trở lại nên vẫn còn gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y
tế), tuần qua cả nước vẫn có khoảng 2.000 trường hợp mắc mới, có giảm
nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Như vậy tính từ đầu năm, cả nước đã có hơn
84.000 ca mắc bệnh với 142 trường hợp tử vong.
Ngày 8/11, trước diễn biến phức tạp của bệnh và số ca
tử vong ngày càng tăng, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên công bố dịch. Trong
khi đó, Bộ Y tế vẫn chưa thể công bố dịch trên cả nước vì theo quy định, phải chờ thêm một tỉnh thành nữa công bố. |