Che giấu thực trạng nhà máy ĐHN Fukushima
Chính phủ Nhật đã thừa nhận che giấu một phần thông tin liên quan đến thảm họa hạt nhân ở Fukushima. Theo lời cố vấn về vấn đề hạt nhân của thủ tướng, đó là điều sai trái.
Ngày 1/5, ông Toshiho Kosako, giảng viên Đại học Tokyo - một người am hiểu sâu rộng trong lĩnh vực an toàn phóng xạ - vừa được bổ nhiệm làm cố vấn hạt nhân cho Thủ tướng Nhật từ ngày 15/3 đã xin từ chức. Ông phản đối chính phủ che giấu sự thật về những sự kiện xảy ra tại Nhà máy ĐHN Fukushima.

Ví dụ, họ đã không công bố ít nhất 5.000 lần đo độ phóng xạ và đánh giá về khả năng lan truyền các chất phóng xạ tại các trạm quan trắc trong thời gian sau sự cố hạt nhân. Ông nhấn mạnh: “Việc làm đó là nguy hại”. Theo ông, tất cả thông tin về sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima phải được công khai hoá và phổ biến ngay lập tức cho dân chúng.


Chính phủ Nhật đã che giấu một phần thông tin về thực trạng nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

Theo báo mạng Аргументы.ру của Nga, chính hệ thống thu thập các số liệu về phóng xạ và khả năng dự báo của Nhật đã tỏ ra kém hiệu quả. Sau trận động đất và sóng thần quá mạnh vào ngày 11/3, hàng loạt sự cố rò rỉ phóng xạ nhưng điều này không được thông báo kịp thời. Gần 80 nghìn người dân đã rời bỏ vùng nguy hiểm khi được lệnh khẩn cấp, nhưng ngay sau đó đã có những người trở về nhà mình mà không bị ngăn chặn một cách cương quyết.   

Cục an toàn hạt nhân và an toàn công nghiệp Nhật (NISA) tuyên bố ngày 12/4 mức độ nguy hiểm ở cấp 7, tuy nhiên vào hôm đó chỉ mới ở cấp 5. Mức độ cực đại đó thực tế chỉ xảy ra một lần duy nhất trong vụ nổ tại Nhà máy ĐHN ở Chernobyl vào năm 1986.


Tuy vậy, hiện nay thực trạng của Nhà máy ĐHN Fukushima vẫn rất nghiêm trọng.


Lượng nước tù hãm dưới tầng hầm của toà nhà turbin lò số 1, 2 và 3 có mức phóng xạ cao lên tới 70.000 m3 chưa bơm đi được, chỉ một lượng nhỏ tại lò số 6 là đưa hết (120 m3) vào bể chứa. Nguồn nước xung quanh nhà máy, nồng độ đồng vị Iot và Cesi vẫn ở mức độ cao.  Đáy biển ở khu vực này, dưới độ sâu 20 đến 30 mét có mức phóng xạ gấp từ 100 đến 1000 lần mức bình thường.


Mức độ hư hỏng không phục hồi được ở lò số 1 là 55%, lò số 2 – 35%, lò số 3 – 30%.


Khói trắng tiếp tục bốc ra ở lò số 2 và 3. Nước lạnh được bơm vào các lò với tốc độ 6-7 m3/giờ bằng bơm điện đặt ngoài nhà máy.

Lò số 1 ở tình trạng nguy hiểm hơn cả. Áp suất và nhiệt độ vẫn còn cao và vẫn phải đưa khí Nitơ vào để ngăn chặn sự cháy của Hyđro. Tại những vị trí có khả năng rò rỉ phóng xạ, công nhân phải đặt những tấm lọc để giảm bớt ô nhiễm thoát ra và để những người có trách nhiệm có thể vào nhà máy để sửa chữa.

Hàm lượng của Cs-137 và I-131 cũng như bức xạ gamma trong không khí đã được đo thường xuyên ở 47 điểm trong thành phố và thông báo định kỳ. Kết quả cho thấy tại đa số điểm ở dưới mức cho phép.


Các chuyên viên đang tiến hành lập các bản đồ ô nhiễm căn cứ vào kết quả giám sát môi trường như bản đồ liều lượng và phân bố chất phóng xạ, liều tích luỹ và mức ô nhiễm mặt đất để có biện pháp hướng dẫn người dân các biện pháp đề phòng và vạch kế hoạch xử lý. Các chất khử phóng xạ được phun ở những nơi có mức ô nhiễm cao.


Trong số những lý do mà ông Toshiho Korako từ chức, ông cũng đề cập đến việc chính phủ đã tuỳ tiện nâng mức phơi nhiễm phóng xạ tối đa ở trẻ em lên tới 20 millissievert/năm, tức là mức gấp 20 lần so với mức an toàn trước đây và như vậy là có hại cho trẻ. Thực tế, đất ở nhiều trường học có lượng phóng xạ lên tới 38 millisievert.


Để khắc phục hậu quả của Nhà máy ĐHN Fukushima I theo kế hoạch phải mất 3 tháng, sau đó nó sẽ phải ngừng hoạt động vĩnh viễn. Tuy nhiên, ngay tại tỉnh lân cận với Fukushima, nhà máy ĐHN Tsuruga trên đảo Honshiu với số dân là 70 nghìn người có hai lò phản ứng đang hoạt động và sẽ tiến hành xây dựng hai lò nữa.


Theo một nguồn tin ngày 2/5, tại nhà máy này có khả năng rò rỉ phóng xạ tại các thanh nhiên liệu vì người ta phát hiện thấy nồng độ phóng xạ trong nước làm mát của lò phản ứng đang tăng lên, buộc phải tăng tần suất đo nồng độ từ 1 tuần/lần lên 1 ngày/lần. Rất có thể nhà máy ĐHN chưa xây dựng xong này cũng phải đặt vấn đề về sự tồn tại của nó.
(Nguồn: Theo Vietnamnet )