Vệ tinh Nga có thể rơi xuống Đại Tây Dương
Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) hôm qua thông báo phi thuyền Phobos-Grunt của họ có thể rơi xuống Đại Tây Dương vào tối mai.

Trước đó Roscosmos dự đoán tàu vũ trụ có khối lượng 13,5 tấn của họ sẽ rơi xuống Ấn Độ Dương. Khả năng tàu rơi vào tối mai (theo giờ Moscow) là cao nhất. Nhưng trong thông báo được công bố hôm qua Roscosmos, nói có thể tàu sẽ rời khỏi quỹ đạo trái đất vào khoảng 16h22 ngày 15/1 theo giờ GMT, nghĩa là sớm hơn so với dự đoán trước.

"Có thể Phobos-Grunt sẽ bắt đầu rơi khi nó bay phía trên Argentina và các mảnh vỡ của tàu sẽ lao xuống Đại Tây Dương", một quan chức giấu tên của Roscosmos nói với hãng thông tấn Interfax.

Các kỹ sư đưa tàu Phobos-Grunt vào buồng chân không
Các kỹ sư đưa tàu Phobos-Grunt vào buồng chân không để thử nghiệm hồi tháng 6/2011. Ảnh: NPO Lavochkin.

Phobos-Grunt, mắc kẹt trên quỹ đạo trái đất sau khi được phóng về phía sao Hỏa vào tối 8/11, sẽ là vật thể lớn nhất lao xuống trái đất từ khi trạm vũ trụ Mir của Nga rơi vào năm 2001. Roscosmos dự đoán khoảng 20-30 mảnh vỡ của tàu sẽ không cháy hết và rơi xuống đất. Tổng khối lượng của những mảnh vỡ đó vào khoảng 200 kg.

Nicholas Johnson, trưởng bộ phận theo dõi rác vũ trụ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), bác bỏ khả năng nhiên liệu của tàu có thể gây họa. Theo ông, thùng chứa nhiên liệu của Nga được làm bằng nhôm chứ không phải bằng titan như các tàu Mỹ. Titan cứng hơn nhiều so với nhôm.

"Nhiệt độ nóng chảy của nhôm thấp hơn nhiều so với titan. Vì thế nguy cơ nhiên liệu của tàu chạm đất là rất thấp", NASA thông báo.

(Nguồn: )