Bỏ thi Đại học "3 chung" từ 2014, thí sinh hoang mang
Ngay khi Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ chấm dứt thi đại học theo hình thức ba chung và trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng, nhiều bạn trẻ đã xôn xao chia sẻ ý kiến của mình trên mạng xã hội.

Theo Dự thảo vừa được Bộ GD&ĐT công bố thì từ năm 2014, mỗi trường có thể chọn một trong ba cách thức tuyển sinh là theo đề án được Bộ xác nhận; thỏa thuận với những trường có cùng ngành nghề đào tạo; hoặc tham gia kỳ thi chung do Bộ tổ chức.

Trong 3 năm chuyển tiếp, Bộ Giáo dục vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường tổ chức thi 3 chung.

VnExpress cho hay, mục tiêu của Dự thảo hướng tới là cho phép các trường có thể lựa chọn và quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Ngoài ra, các trường có thể bổ sung thêm hình thức phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu...

Teen hoang mang vì Bộ bỏ thi Đại học

Từ 2014, việc tự tổ chức thi tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường đại học

Nhưng ngay khi dự thảo được công bố, cộng đồng teen ngay lập tức xôn xao chia sẻ trên mạng xã hội. Rất nhiều tâm trạng khác nhau được chia sẻ khi một số tỏ ra vui vẻ đón nhận, người thì buồn, lo lắng, thậm chí hoang mang về kỳ thi Đại học sắp tới.  

"Vì là quy định mới nên em nghĩ các trường top đầu sẽ không cá cược mình mà xét tuyển đâu. Nhưng những trường thấp và "vừa sức" có thể thay đổi. Tuy nhiên, nếu các mem 96 lỡ "trượt" và học lệch sẽ đi về đâu khi kết quả chỉ được xét tuyển duy nhất vào trường đó. Với lại, quy định này khá mới và bất ngờ vì áp dụng luôn năm nay nên không biết những thí sinh tự do sẽ ra sao",em Nhân bình luận trên Facebook.

Độc giả Hà Linh chia sẻ những lo lắng của mình trên VnExpress:"Đến thời điểm này đã là cao trào ôn thi rồi, bọn em đang dần vào quỹ đạo hết rồi. Xin Bộ đừng đề xuất thay đổi gì nữa, bọn em đang rất hoang mang và xoay trở không kịp".

"Thay đổi như thế những 95er thi lại như tụi em biết làm thế nào đây ạ ? Chẳng lẽ dang dở ước mơ đại học?  Năm ngoái thì điểm tăng vụt , quyết năm nay viết tiếp ước mơ bỏ lỡ...đã khóc một năm và hơn thế là không còn nước mắt để khóc khi đọc bài này", em Nguyễn Hạnh hoang mang.

Đồng quan điểm, một thành viên sinh năm 1996 khác cũng viết lên Facebook: "Em không có phản đối gì về việc thay đổi chính sách. Nhưng em hoàn toàn không chấp nhận được việc bộ muốn thực hiện ngay chính sách này vào năm 2014, khi bọn em chỉ còn vỏn vẹn nửa năm để chuẩn bị cho kì thi, em không biết là có đủ chỉ tiêu vào trường đại học mong muốn nếu như trường đó tuyển sinh theo kiểu xét tuyển hay không".

Teen hoang mang vì Bộ bỏ thi Đại học

Nhiều em học sinh lo lắng với Dự thảo bỏ thi ĐH ba chung

Không chỉ các em học sinh, nhiều bậc phụ huynh cũng nhận định việc Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo mới là quá đột ngột, bởi các em học sinh đã học và ôn luyện theo hình thức trắc nghiệm, nếu giờ các trường tuyển sinh mà áp dụng hình thức riêng, mới thì sẽ rất khó khăn cho việc ôn luyện khi thời gian không còn nhiều.

"Tuyển sinh riêng không phải là không tốt nhưng Bộ ra đề án quá đột ngột, những em học sinh lớp 12 năm nay sẽ hoang mang lắm, dù sao phải thay đổi mới biết tốt hay không, quan trọng là phần quản lí có chặt chẽ không để tránh các trường tuyển đầu vào không có chất lượng thì càng nguy hơn", bạn đọc Phan Bình bình luận trên diễn đàn lamchame.

Giáo sư Võ Minh Giang, Phó GĐ Đại Học Quốc Gia Hà Nội từng cho biết trên Người Lao Động rằng tổ chức một kỳ thi chung không khó chứ những vấn đề kèm theo việc tổ chức kỳ thi riêng là chưa được chuẩn bị kỹ.

Ông Giang phân tích thêm rằng phương án thi 3 chung lâu nay có nhiều hạn chế nhưng nó đã trở thành một thói quen là liên thông luân chuyển thí sinh giữa các trường với nhau. "Nếu bây giờ ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng thì cơ hội xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3 của khoảng 80% thí sinh trượt NV1 vào trường sẽ như thế nào? Đạt 17 điểm khi vào ĐH Quốc gia Hà Nội rất khác với 17 điểm của Trường ĐH Bách khoa, liệu Trường ĐH Bách khoa có nhận thí sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội hay không?".

Tuy nhiên một tín hiệu vui đối với người học là đa số các trường ĐH trong nước vẫn chưa đưa ra các đề án tuyển sinh riêng. Số liệu từ SGGP Online thì hiện Bộ GD-ĐT đã nhận được 17 đề án tuyển sinh ĐH riêng của các trường ngoài công lập và chưa có trường công lập nào trình đề án.


(Nguồn: vnreview.vn )