|
Trường “hot” và tỷ lệ “chọi” kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 |
|
|
Chọn trường nào, ngành nào, làm thế nào để cầm chắc thi đỗ đại học là băn khoăn của hầu hết thí sinh và gia đình vào mỗi mùa tuyển sinh. Nhiều dự đoán được đưa ra dựa vào tỷ lệ thí sinh dự thi thường được gọi là tỷ lệ “chọi” của các trường ngành học, hay điểm chuẩn những năm gần đây và đặc biệt là độ “hot” của ngành học hay trường đại học. Tuy nhiên những phán đoán này vẫn chỉ luôn là phán đoán. Nhiều khi, thực tế lại khác xa với những dự báo được đưa ra. Phải biết tự lượng sức mình, “liệu cơm gắp mắm” là cách hiệu quả nhất dẫn đường cho thí sinh tới giảng đường đại học. |
|
Sức học nào thi vào trường “hot”
- Theo số liệu thống kê tuyển sinh của các cơ quan chức năng, những
năm gần đây số lượng thí sinh dự thi đạt tổng điểm 3 môn từ 15 trở lên
luôn chiếm khoảng 13 – 20% trên tổng số thí sinh dự thi cả nước. Với mức
điểm này, thí sinh cầm chắc mình sẽ đạt mức điểm sàn theo quy định của
Bộ GD&ĐT. Đây là giới hạn khả năng trúng tuyển vào một trường nào
đó. Tuy nhiên, trúng tuyển hay không lại phụ thuộc nhiều vào sự lựa chọn
sáng suốt của thí sinh.
- Thực tế cho thấy, các thí sinh có lực học giỏi đều tập trung vào các
trường “top” trên và các ngành nghề “hot”. Số thí sinh này không nhiều
nên tỷ lệ chọi của các trường này thường thấp hơn nhiều so với các
trường top giữa, nhưng do “chất lượng” thí sinh cao nên điểm chuẩn ở
những trường này luôn ở mức cao, thường phải từ 21 điểm trở lên. Có thể
điểm mặt những trường này như Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Đại
học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Bưu chính viễn
thông… Mà đỉnh điểm của sự kiện này là Đại học Y Hà Nội. Năm 2008 thí
sinh dự thi vào ngành Bác sĩ răng – hàm – mặt đạt 28 điểm vẫn bị trượt
vì ngành học này lấy tới 28,5 điểm.
- Thử nhìn vào xu hướng chọn trường, ngành trong một vài năm gần đây
cho thấy các ngành học kinh tế đang ở trên thế thượng phong, nhưng câu
nói cửa miệng trong dân gian “nhất y, nhì dược” cho thấy các ngành học
này vẫn tiếp tục thể hiện đẳng cấp chứ không dễ bị đánh đổ bởi các ngành
học Tài chính – ngân hàng. Đặc biệt bước sang mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm
2013 này thì một lần nữa các trường Y – Dược lại khẳng định ngôi
“vương” khi tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi cao vượt khối ngành kinh tế.
Có nên căn cứ vào tỷ lệ “chọi”
- Nhiều chuyên gia tuyển sinh đều chung quan điểm rằng thí sinh không
nên căn cứ vào tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi hay thường gọi là tỷ lệ
“chọi”. Con số này chỉ mang tính ước lệ tương đối thôi chứ không khẳng
định được điều gì. Có thể lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhưng tỷ lệ
dự thi ít, hồ sơ ảo nhiều, hoặc chưa chắc những thí sinh dự thi đã là
những đối tượng sáng danh trên thí trường, vì thực tế như các số liệu
thống kê đưa ra thì lượng thí sinh có điểm tổng cho cả 3 môn chỉ vào
khoảng từ 15 – 20%.
- Còn nhớ mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008, dư luận đã hết sức bất ngờ
trước điểm chuẩn của ngành bác sĩ răng – hàm – mặt của Đại học Y Hà Nội
lên tới 28,5 điểm. Thế nhưng trong số thí sinh dự thi vẫn có hơn 50 thí
sinh đạt được mức điểm này trở lên. Còn 2 năm gần đây là 2011 và 2012,
điểm trúng tuyển của ngành học này lần lượt là 25,5 và 24 điểm và chỉ
tiêu tuyển sinh cao gấp đôi năm 2008 tức là 100 chỉ tiêu. Có thể thấy
sau sự kiện thí sinh có e dè hơn khi đặt bút đăng ký dự thi vào các
ngành đặc biệt “hot” thế này, nhưng nhìn vào điểm trúng tuyển thì không
đạt đỉnh điểm như năm 2008 nhưng ngành học này vẫn lấy điểm chuẩn rất
cao. Và thống kê cho thấy lượng thí sinh có điểm cạnh tranh ở mức này
cũng không nhiều.
- Còn với ngành học sư phạm mà mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 này đang
được đánh giá là có sức hút mới đối với người học. Nhìn lại thời kỳ
trước năm 2008, Sư phạm là khối ngành thu hút khá đông thí sinh vì được
miễn học phí. Nhưng cũng kể từ năm 2008 đến nay thì số lượng thí sinh
đăng ký dự thi vào các ngành sư phạm giảm dần. Trước việc hồ sơ đăng ký
dự thi tăng đột biến ở các trường sư phạm, việc này cũng đồng nghĩa với
tỷ lệ “chọi” vào các trường sẽ cao. Như vậy thí sinh sẽ phải tranh giành
quyết liệt để có một ghế vào giảng đường. Nhận định về việc này, các
chuyên gia tuyển sinh cho rằng, không có căn cứ để chứng minh việc đông
thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành sư phạm cao thì thí sinh sẽ phải
cạnh tranh nhau nhiều hơn vì thực tế với những chế độ, chính sách mới
ban hành tuy có hấp dẫn người học vào sư phạm, nhưng vẫn chưa đủ để cuốn
hút người giỏi. Thí sinh sẽ còn tiếp tục suy nghĩ để đưa ra quyết định
cuối cùng, chứ không hẳn đăng ký là dự thi. Tương tự, đối với khối ngành
nông lâm ngư nghiệp mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 này cũng được coi là
biến động.
- Trước thực tế này, các chuyên gia tuyển sinh đều có lời khuyên đối
với thí sinh là chỉ nên tham khảo thôi chứ không nên dựa vào những “biến
động” ngành nghề để dự thi. Tốt hơn hết là thí sinh dựa vào sức học của
mình, học giỏi, tự tin vào sức học thì chọn thi vào trường mà mình
thích. Còn với những thí sinh chỉ với mức học khá thì nên chọn những
trường có mức điểm trúng tuyển vừa phải. Bởi vì, nhiều khi trường có tỷ
lệ chọi cao nhưng điểm xét tuyển lại thấp hơn trường có tỷ lệ chọi thấp.
Vì thực tế là số thí sinh “phải chọi với nhau” không nhiều vì có rất
nhiều thí sinh điểm thấp. Quyết định điểm chuẩn trúng tuyển cao hay thấp
phụ thuộc vào chất lượng thí sinh dự thi.
|
|
|
|
|
|
|