Sáng 3/7, trên quốc lộ 1A, đoạn thuộc thôn Yên Phú, xã
Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, một thanh niên đi xe đạp, mặt tái
đi vì mệt mỏi vào xin nước uống và ngồi nghỉ nhờ ở nhà dân ven đường.
Xuất phát ở quê (huyện Yên Thành, Nghệ An) từ 1h trưa, đến 9h30 sáng hôm
sau Thuận đã đến huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Cậu học trò nghèo này đạp xe 300km, mệt thì dắt, đỡ
mệt lại đạp. 30 nghìn đồng tiền dành dụm khi mang đi, đến Hà Nội Thuận
vẫn còn tận… 10 nghìn đồng cho hai ngày rưỡi ăn ở và lượt đi về. Trên
đường đi, Thuận còn vạch sẵn một kế hoạch "tác chiến" rất cụ thể về nơi
ăn, chốn ở khi đi thi tại Hà Nội. Nếu điểm thi gần đình chùa nào, Thuận
xin ngủ nhờ hoặc cậu ngủ ngay cổng trường thi, dưới cột đèn cao áp.
|
Thuận xem lại bài vở sau buổi thi. |
Biết được hoàn cảnh và "cuộc hành quân dã chiến" của
Thuận, Đại uý Nguyễn Quốc Khánh, Công an phụ trách xã Liên Ninh, huyện
Thanh Trì đã tạo điều kiện giúp cậu học trò nghèo.
"Sáng hôm xuống địa bàn, gặp trường hợp của Thuận, tôi
quyết định giúp Thuận đến địa điểm thi tận huyện Thạch Thất cho kịp
giờ", Đại uý Nguyễn Quốc Khánh, Công an phụ trách xã Liên Ninh (Công an
huyện Thanh Trì) cho biết.
Được sự giúp đỡ tận tình của người dân, đặc biệt là Ủy
viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Trần
Trọng Dực, là một người dân xã Liên Ninh, Thuận được ăn nghỉ trong phòng
trọ đàng hoàng trong hai đêm thi.
"Em quá may mắn khi gặp được bác Dực, chú Khánh, và cả
những người mà em còn chưa biết tên trên đường từ Nghệ An ra thi. Không
có những ân nhân này, em chẳng còn sức mà làm bài nữa", Thuận cảm động
nói.
Chia sẻ về cuộc sống của mình, Thuận chia sẻ, quê em
là vùng đất "nắng thì hạn, mưa lại ngập". Thuận sinh ra trong một gia
đình thuần nông và có quyêt tâm đỗ đại học để "đi xa hơn trên đường
đời". Hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ Thuận không muốn cậu thi đại học vì nếu
đỗ, "lấy đâu tiền mà học".
Được sự động viên của thầy cô giáo, tự tin vào lực học
của mình, Thuận chọn trường Sỹ quan Lục quân I. Thuận bảo, học ở đây sẽ
không phải lo học phí.
"Nếu không đỗ, em ở quê kiếm việc gì làm phụ bố mẹ,
vừa làm vừa ôn, năm sau nhất định phải thi tiếp vì chỉ có học em mới đi
được thật xa trên đường đời", Thuận tâm sự.
Sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Thuận vui vì làm
bài tốt rồi lại vội vã trở về ngay. Lần này, em về bằng ô tô. Đích thân
Đại uý Nguyễn Quốc Khánh đưa em ra tận bến xe. Thuận run run tâm sự rằng
cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng em sẽ nỗ lực để vượt qua tất cả
bởi bên cạnh em luôn có sự thương yêu của gia đình, thầy cô, bạn bè.
"Em sẽ không đầu hàng trước bất cứ khó khăn nào để
xứng đáng với tấm lòng của những người đã giúp đỡ em hết mình trên hành
trình đầu đời", Thuận nói. |