Nhiều sĩ tử bỏ cuộc trong môn thi cuối
Sau hai môn Toán và Lý được đánh giá là khó, trong buổi thi Hóa sáng nay, rất nhiều thí sinh đã bỏ cuộc. Chiều nay, VnExpress sẽ cập nhật đáp án do Bộ Giáo dục Đào tạo công bố.

Nhễ nhại mồ hôi bước ra từ trường thi nhưng Đào Thanh Huyền dự thi ĐH Thương mại cười tươi cười cho biết: “Đề thi Hóa năm nay khá khoa học, khoảng 70% bài tập, 30% lí thuyết. Các phương trình học từ lớp 10, 11 cũng được đưa vào đề thi. Phần lớp 12 tập trung chủ yếu vào hệ hữu cơ. Em nghĩ mình làm được 7-8 điểm”.

Theo Vũ Trung Hiếu, dự thi ĐH Giao thông vận tải thì đề thi năm nay dễ hơn năm trước nhưng vẫn khá dài. Hiếu phải cố gắng tận dụng hết thời gian mới có thể hoàn thành bài thi. “Có một số phương trình biến đổi nếu không nắm chắc kiến thức sẽ dễ bị nhầm lẫn.”

Tại điểm thi ĐH Sư phạm Hà Nội, các thí sinh bước ra ngoài phòng thi với tâm trạng hào hứng. “Đề Hóa vừa sức nên em làm rất tốt. Em làm được chắc chắn 70%. Em hi vọng lấy môn này gỡ điểm cho Toán hôm qua làm không tốt lắm”, thí sinh Đỗ Hoài Thu cho biết.

Em Trần Mai Lan (Thái Nguyên) cho biết: “Đề ra bám sát kiến thức cơ bản nhưng yêu cầu thí sinh phải nắm chắc kiến thức cả 3 năm học, có những câu hỏi mà đáp án rất dễ gây nhầm lẫn. Em cũng chỉ làm được 50% còn lại là tự điền".

Tại TP HCM, phần đông thí sinh nhận định đề thi môn Hóa '"dễ thở" hơn môn Toán và Lý trong ngày đầu. Kiến thức trong đề trải đều trong sách giáo khoa và tập trung chủ yếu vào phần hóa hữu cơ.

Thí sinh Hoàng Lan đến từ Nghệ An cho biết: "Đề thi có tính phân loại khá cao. Bạn nào có học lực khá có thể đạt khoảng 6-7 điểm". Cùng ý kiến, bạn Ngọc Sơn đến từ Buôn Mê Thuột, thi tại Hội đồng Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 cho rằng: "Đề Hóa không dài như đề Lý nhưng phải mất thời gian tính toán khá nhiều".

Tổng kết sau 3 buổi thi, lượng thí sinh giảm nhiều. Các hội đồng thi của ĐH Kinh tế TP HCM có lượng thí sinh giảm 4.795 so với số hồ sơ dự thi ban đầu.

Tương tự, hội đồng thi Marie Curi, quận 3 của ĐH Mở Bán công, số lượng thí sinh giảm 269 so với 1.181 số hồ sơ. Chủ tịch Hội đồng này cho biết, có phát hiện một trường hợp nghi vấn làm bài thi hộ từ sự khác biệt hình ảnh trên phiếu dự thi. Thí sinh đến từ Nam Định này vẫn được phép làm hết bài thi môn Hóa và sau giờ thi được đưa lên hội đồng để thẩm định lại.

Tại ĐH Ngoại thương Hà Nội, sau ngày thi đầu tiên bật điều hòa cho tất cả các phòng thi, sáng nay trường đã phải tắt ở một số phòng vì có thí sinh mệt mỏi, không chịu được mùi điều hòa. GS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong hôm làm thủ tục thi, trường đã bật thử điều hòa để các em quen với không khí, nhưng không ai có phản hồi gì.

Gần cuối giờ thi môn cuối, ĐH Ngoại thương vẫn chưa phát hiện trường hợp nào gian lận. GS Châu cho rằng, đó là tác dụng của việc trường ngăn chặn từ xa, ngay hôm làm thủ tục đã mời cả phụ huynh vào nghe qui chế, thời gian dự thi, từ đó nhắc nhở con em mình. Trong buổi sáng hôm qua, số thí sinh đến dự thi tăng lên 9 em so với hôm làm thủ tục, nhưng sau môn thi Toán có 49 em bỏ thi.

Thí sinh mệt mỏi trong môn thi cuối. Ảnh: Hoàng Hà.

"Sáng nay, tại điểm thi trong trường có một thí sinh bị đau bụng trước khi bóc đề. Ngay lập tức cán bộ y tế đã lên chăm sóc, cho uống thuốc. Sau đó em này đã làm bài bình thường", GS Châu cung cấp và cho hay, sau khi thi xong đợt 2, trường mới tiến hành chấm thi.

Học viện ngoại giao có số thí sinh dự thi đợt 1 chỉ hơn 300 em trên tổng số đăng kí hơn 700 hồ sơ. Sau ba môn thi, trường cũng chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm qui chế. Chị Đoàn Thị Phương Dung, Trưởng phòng hành chính tổng hợp cho biết, có hai nhân viên y tế túc trực nhưng may mắn chưa có em nào có vấn đề về sức khỏe.

"Thí sinh thi khối A là vào ngành Kinh tế quốc tế. Bài thi của thí sinh nhà trường sẽ hợp đồng với các trường khác để chấm. Điểm chuẩn vào trường phụ thuộc vào điểm làm bài của các em", chị Dung cho hay.

Dự kiến, cuối tháng 7 các trường sẽ hoàn thành chấm thi. Theo kế hoạch của Bộ giáo dục, các đại học, cao đẳng có tổ chức thi gửi giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ (số 1, 2), phiếu báo điểm của thí sinh và dữ liệu kết quả thi cho các trường không tổ chức thi tuyển sinh và hệ cao đẳng của các trường đại học trước ngày 10/8. Đồng thời, gửi báo cáo Bộ GD&ĐT biên bản điểm trúng tuyển và công bố điểm trúng tuyển (đợt 1), gửi giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm, giấy báo trúng tuyển trước 20/8.

Từ ngày 25/8 đến 10/9, các trường đại học, cao đẳng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 và công bố điểm trúng tuyển, gửi giấy báo trúng tuyển cho các Sở GD&ĐT trước 15/9.

Từ ngày 15 đến 30/9, các trường đại học, cao đẳng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV3 và công bố điểm trúng tuyển, gửi giấy báo trúng tuyển cho các Sở GD&ĐT trước 5/10.

Ngay sau khi xét tuyển và chậm nhất là trước ngày 15/10, các trường công bố trên Internet và trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách thí sinh trúng tuyển, gửi kết quả tuyển sinh cho các Sở GD&ĐT.

(Nguồn: Vnexpress )