|
27 tuổi với hàng chục sáng chế đang chờ cấp bằng |
|
|
Mới 27 tuổi nhưng chàng thanh niên Kiều Thanh Ngân (Mê Linh, Hà Nội) đã có trong tay hàng chục đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích đang chờ cục SHTT cấp bằng. |
|
Là con út trong một gia đình có 5 anh chị
em ở một làng quê nghèo ngoại thành Hà Nội, thuộc xã Liên Mạc, huyện Mê
Linh. Lúc nhỏ Ngân cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng năm lên 5
tuổi, Ngân bị một vết thương ở chân và mang di chứng suốt đời. Thế
nhưng, ngay từ nhỏ, cậu bé Ngân đã rất ham mê sáng tạo. Bố mẹ mua cho
thứ đồ chơi gì như ôtô, máy kéo cậu đều tháo tung ra tìm hiểu rồi lắp
ráp lại.
Sáng tạo, nhưng không viển vông
Chẳng ai nghĩ, sự hiếu động trẻ con đó lại là tiền đề cho những sáng tạo
sau này của anh. Chiếc máy đầu tiên anh làm vào năm 2005, lúc vừa tốt
nghiệp Khoa điện tử trường Trung học công nghiêp III (Phúc Yên, Vĩnh
Phúc) là máy đóng gói kẹo lạc. Quê anh có nghề làm kẹo lạc truyền thống
từ lâu đời. Các bà, các cô trong thôn đóng gói kẹo lạc đều phải làm bằng
thủ công rất mất thời gian mà năng suất chẳng được bao nhiêu. Khi đó,
đã có máy đóng gói của Trung Quốc nhưng quá đắt, phải 120 triệu đồng mới
mua được. Thấy vậy, Ngân đã quyết định phải cải tiến chiếc máy đó, biến
thành máy riêng của mình phục vụ bà con. Cặm cụi một năm trời, chiếc
máy đã được chàng thanh niên 21 tuổi làm ra với chi phí chỉ khoảng 3
triệu đồng nhưng đã giải phóng sức lao động bằng tay cho bà con mà năng
suất tăng gấp 5 gấp 10 lần. Cũng năm đó, lần đầu tiên tỉnh Vĩnh Phúc tổ
chức cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật, anh mạnh dạn mang máy đóng gói kẹo lạc
dự thi và đạt liền 2 giải. Một giải ba sáng tạo và một giải triển vọng
dành cho thí sinh trẻ tuổi nhất.
Kiều Thanh Ngân rất say mê nghiên cứu sáng tạo.
Sau đó, Ngân mày mò và làm thành công bản mạch cho nồi cơm điện. Sáng
tạo này của Ngân bắt nguồn khi anh nhận thấy các bà nội trợ, khi nấu cơm
thường rất hay quên không nhấn nút xuống để nấu nên cơm không thể chín
được, khi nhớ ra thì gạo trong nồi ngấm nước đã trương nở không thể nấu
ăn được nữa mà phải bỏ đi. Bản mạch này của Ngân chỉ nhỏ bằng bao diêm
được đặt dưới nồi cơm, nếu bà nội trợ nào có quên không nhấn nút thì nó
sẽ phát ra tín hiệu là một hồi “bíp bíp” hay một bản nhạc để “nhắc nhở”.
“Nghe thì rất đơn giản nhưng việc xử lý nó là cả một vấn đề. “Ngoài
chức năng báo động cho những người nấu cơm quên bật nút còn phải khắc
phục những hiện tượng như mất điện hay điện yếu cũng phải cảnh báo cho
họ”, Ngân chia sẻ.
“Sáng chế” hệ thống bảo vệ đường dây điện dân dụng khi gặp sự cố năm
2010 của Ngân thì lại xuất phát khi anh chứng kiến lúc trời mưa bão, cột
điện có thể đổ bất cứ lúc nào. Ngân bảo, nếu dây đứt xuống sẽ gây nguy
hiểm cho người qua lại trên đường và đã có không ít trường hợp người bị
điện giật do dây điện đứt. Thiết bị bảo vệ do Ngân sáng tạo được lắp ở
cuối nguồn điện, chỉ cần một sợi dây điện bị đứt, thậm chí dây chưa kịp
rơi xuống đất đã tự động báo cho atomat nguồn ngắt điện, đảm bảo an toàn
cho lưới điện.
Không nguội đam mê
Ông Bùi Đức Thọ, trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở KH-CN tỉnh Vĩnh Phúc,
người đã có nhiều năm làm việc, gắn bó với Ngân cho biết, những nghiên
cứu của Ngân thực ra không phải là quá cao siêu nhưng lại rất thiết thực
với nhu cầu thực tế của người dân. “Tôi rất cảm phục trước nghị lực phi
thường của cậu ấy, một người khiếm khuyết về thể chất nhưng lại rất ham
học hỏi,sáng tạo”, ông Thọ nhận định.
Hiện nay, vì cuộc sống khó khăn, Ngân không còn chuyên tâm sáng tạo mà
phải làm rất nhiều công việc khác nhau mưu sinh như chạy chợ, buôn bán,
làm xưởng may. Tuy nhiên, niềm đam mê tìm hiểu trong anh vẫn không ngừng
nghỉ.
“Tôi chỉ mong muốn làm ra được cái gì phục vụ lợi ích thiết thực cho làng quê nhỏ này vàcó thể áp dụng được ngay...”, Ngân nói. |
|
|
|
|
|
|