Trực thăng "made by Bùi Hiển" cất cánh
Khi chiếc máy bay khởi động, tiếng cánh quạt cắt gió ào ào, tiếng động cơ rền vang, Bùi Hiển bắt đầu tăng ga và chiếc trực thăng từ từ nhấc lên khỏi mặt đất trước ống kính của phóng viên.

Sáng 28.3, ông Nguyễn Bùi Hiển (SN quê Hà Tĩnh, ngụ thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương, chủ garage Bùi Hiển) đã cho cất cánh thử nghiệm chiếc trực thăng do chính tay ông tự chế ra.

Khu nhà xưởng rộng hơn 300m2, cao 12m được ông Hiển dùng làm kho chứa trực thăng đồng thời cũng là nơi chế tạo và bay thử.

 
Chiếc trực thăng của ông Hiển

Khoảng 3 năm trở lại đây, ông Hiển bắt đầu lao vào chế tạo trực thăng. Ban đầu ý định của ông sẽ chế tạo loại máy bay cất cánh bằng đường băng.

“Khi nghiên cứu loại máy bay này, tôi thấy nó cũng không có gì phức tạp và việc chế tạo nó thì quá đơn giản cho nên tôi chuyển qua nghiên cứu chế tạo trực thăng”- ông Hiển nói.

 
Ông Hiển giới thiệu về chiếc trực thăng của mình

Ban đầu ông Hiển dùng một động cơ 50 mã lực để gắn vào chiếc trực thăng nhưng theo tính toán thì nó không thể nâng được chiếc trực thăng lên khỏi mặt đất.

Mặt khác, rút kinh nghiệm từ những chiếc trực thăng ở Tây Ninh, ông Hiển đi tìm tòi và mua được động cơ Yamaha từ chiếc xuồng cao tốc với 106 mã lực.

 
Động cơ của trực thăng được chế từ động cơ xuồng cao tốc

Theo tính toán của ông Hiển, để nâng được chiếc máy bay lên khỏi mặt đất thì vòng quay của cánh quạt phải đạt 500 vòng/phút.

Trong khi đó, nếu một động cơ từ 60 mã lực trở lên thì sẽ cho vòng quay từ 3.600 vòng/phút. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ làm sao để chuyển đổi số vòng quay của động cơ, phù hợp với vòng quay của cánh quạt thì chiếc máy bay mới có thể cất cánh được.

 
Cánh quạt được làm từ i-nox

Từ đó, ông Bùi Hiển lại tiếp tục mày mò tìm bộ vi-sai của ô tô để cải tạo lại làm sao để đưa lực từ động cơ ra cánh quạt cho phù hợp.

 
Bộ vi-sai của ô tô

Ông Hiển tự lên mạng để tìm hiểu các tài liệu bằng tiếng Anh, sau đó tự dịch ra tiếng Việt rồi tự kẻ vẽ mô hình, tính toán các thiết bị. Sau khi tính toán các thiết bị, ông Hiển tự tay phay, tiện, hàn, ráp nối các thiết bị với nhau.

 
Ông Hiển tự nghiên cứu tài liệu bằng tiếng Anh

Theo tính toán, trọng lượng chiếc trực thăng khi cất cánh có thể đạt 375 kg. Sau khi trừ 20 kg lực cản của gió và trừ trọng lượng của trực thăng, phi công thì chiếc trực thăng có khả năng mang theo trên 50 kg hàng hóa. Tiêu hao nhiên liệu của trực thăng khi bay khoảng 15 lít xăng/giờ vì động cơ của nó là động cơ 2 thì.

 

 
Ông Hiển kiểm tra kỹ thuật trước khi bay 

 


Trước khi cho bay thử, ông Hiển cẩn thận đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn và khởi động máy

Tâm sự với phóng viên, ông Bùi Hiển cho rằng hiện nay ông chưa có ý định đăng ký sáng chế cũng như việc xin phép để bay vì nhiều quy định, thủ tục rườm rà.

“Chế tạo được chiếc máy bay này, tôi chỉ mong muốn khẳng định một điều rằng người Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể chế tạo được máy bay”, ông Hiển nói.

(Nguồn: TNO )