Tỉnh Hải Dương có diện tích trồng lúa khoảng 63.000 ha, trong đó diện tích lúa bị rầy gây hại hàng năm lên tới hàng ngàn hécta tập trung chủ yếu ở các huyện Kim Thanh, Bình Giang, Cẩm Giàng, Chí Linh, Ninh Giang, Thanh Miện…, gây thiệt hại lớn cho người nông dân cũng như ngành nông nghiệp của tỉnh. (Ảnh minh họa)
Chi phí phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng là khoảng 4,5 triệu đồng/ha lúa, dẫn tới chi phí sản xuất tăng, giảm hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Trước nhu cầu cấp thiết đó, đề tài đã chọn hai giống lúa là P376 và PC10 để tổ chức xây dựng hai mô hình tại 2 huyện Bình Giang và Ninh Giang với quy mô 25ha, 115 hộ tham gia. Trong vụ mùa giống lúa P376 có thời gian sinh trưởng từ 110-115 ngày, giống lúa PC10 có thời gian sinh trưởng từ 100-105 ngày, thích hợp trên đất vàn, vàn cao. Riêng giống lúa PC10 do có thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên có thể bố trí cấy tại các chân ruộng cần giải phóng đất sớm để trồng cây vụ đông. Hai giống có chiều cao cây trung bình, khả năng chống đổ khá, tiềm năng năng suất cao; chất lượng gạo tốt, hạt gạo dài, trong (từ 6,7-6,87mm). Kết quả cho thấy 2 giống đều thích hợp trong điều kiện vụ mùa, 100% các nhóm hộ đạt năng suất trên 48tạ/ha; năng suất trên 50 tạ/ha đạt từ 68,75-82,09%. 25ha giống lúa P376, PC10 mang lại lợi nhuận trên 78 triệu đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiệu quả mô hình canh tác giống lúa P376, PC10 cho thấy giảm chi phí rõ rệt trong việc phun thuốc trừ rầy so với các giống đang được trồng phổ biến tại các địa phương và góp phần mang lại sự cân bằng sinh thái, giảm tác động xấu của thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường sống./. |