Ứng dụng khoa học để trồng rau trên đảo Phú Quý
Cách đất liền hơn 56 hải lý (120km), hàng năm đảo Phú Quý (Bình Thuận) phải đối mặt với tình trạng thiếu rau xanh mỗi khi tàu vận chuyển hàng hóa ra đảo bị gián đoạn. Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên lượng rau xanh sản xuất tại đảo chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.

Bộ đội trồng rau xanh trên đảo Phú Quý.
Bộ đội trồng rau xanh trên đảo Phú Quý. 
(Nguồn: phuquy.binhthuan.gov.vn)

Nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu rau xanh của đảo, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận đã triển khai thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau trên đất cát” tại đảo Phú Quý. Dự án này được Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh phối hợp triển khai 30 mô hình trồng rau trong nhà lưới và vòm lưới chắn gió mặn cũng như có tác dụng che mưa, nắng.

Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận cho biết sau thời gian triển khai, đến nay dự án đã xây dựng 15 mô hình trồng rau trong nhà lưới, 15 mô hình trồng rau bằng vòm lưới. Những mô hình này áp dụng theo quy trình sản xuất rau an toàn, có hệ thống che chắn bằng lưới và kỹ thuật tạo độ ẩm nhân tạo… đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Ngoài ra, dự án còn tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ cho những học viên là nông dân, chiến sỹ trên đảo để nhân rộng mô hình sản xuất rau tiên tiến này trên toàn đảo.

Theo bà Nga, Trung tâm cũng đã tiến hành xây dựng 150 mô hình vườn rau gia đình trải khắp 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải của đảo Phú Quý. Nhờ đó, tổng diện tích sản xuất theo dự án trên huyện đảo có thể tăng thêm gần 15.000 m2 và cho thu hoạch hàng trăm tấn rau mỗi năm…

Phát triển diện tích rau xanh trên đảo để tiến tới thay thế lượng rau phải nhập từ đất liền ra đảo là một hướng đi đúng, giúp nông dân bước đầu biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nếu như trước đây, Phú Quý có khoảng 70% lượng rau cho tiêu dùng hàng ngày phải chở từ đất liền ra, thì hiện nay chỉ còn khoảng 40%, bà con không còn sợ thiếu rau trong những ngày mưa bão kéo dài. Với hiệu quả bước đầu của mô hình và hướng đến sản xuất tự cấp rau tại đảo, trong thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng cho người dân trên đảo để cải thiện bữa ăn hàng ngày, góp phần làm phong phú nguồn rau xanh cho Phú Quý.

(Nguồn: Vietnam+ )