Chế tạo máy rửa bát mang thương hiệu Việt Nam
Chàng trai quê lúa Nguyễn Văn Ngọc, 29 tuổi, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng đã trở thành người đầu tiên ở Thái Bình và có lẽ cũng là người đầu tiên ở Việt Nam sáng tạo thành công máy rửa bát mang thương hiệu Việt.
Hơn nữa loại máy rửa bát của Ngọc chế tạo còn “ăn đứt” những chiếc máy rửa bát nhập ngoại về giá cả cũng như khả năng tiết kiệm điện.

Chiếc máy là trợ thủ đắc lực cho những bà nội trợ bận rộn với công việc tại công sở. Hiện nay, trên thị trường có bán một số máy rửa bát thường là máy nhập ngoại. Để sử dụng loại máy này cần phải có áp lực nước vào máy lớn cộng với tác động của các hóa chất khác như xà phòng, chất làm bóng, muối riêng biệt...
Chế tạo máy rửa bát mang thương hiệu Việt 
Nam
Máy rửa bát (nguồn internet)

Tuy nhiên với các loại sản phẩm nhập ngoại này, nỗi lo lớn nhất của người sử dụng là giá thành cao, thời gian rửa bát đĩa lên tới 45 phút, điện năng tiêu hao lớn.

Ý tưởng sáng tạo một dòng máy rửa bát dành riêng cho người Việt Nam mang tên Máy rửa bát RB-NTT với khả năng khắc phục những nhược điểm nói trên được chàng trai trẻ này hun đúc từ đây.

Ưu điểm đầu tiên của một chiếc máy rửa bát Việt Nam là làm từ vật liệu bền, đẹp nhưng phải dễ kiếm, dễ làm. Inox không rỉ được xem là lựa chọn hợp lý nhất. Máy rửa bát RB-NTT được thiết kế chế tạo gọn nhẹ, vật liệu máy được chế tạo bằng inox không rỉ, đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ, an toàn cho người sử dụng.

Máy tự động làm việc hoàn toàn bằng hệ thống rơle, van tự động ngắt đã được lập trình sẵn. Sau khi người sử dụng xếp các loại bát, đĩa, thìa... lên ba giá của máy, đậy nắp lại và ấn nút điện, máy bắt đầu làm việc. Điện vào các rơle van từ, máy tự động đun nước nóng đạt 70 độ C (khoảng 15 phút), sau đó động cơ và van từ đóng điện cùng một lúc.

Máy rửa bát thương hiệu Việt

Chỉ sử dụng loại hóa chất duy nhất là nước rửa bát thông thường cho quá trình rửa, động cơ hút nước rửa bát (đã được pha loãng với tỉ lệ 1/20) và nước sạch bơm vào hệ thống quay làm trục chính quay phun nước trực tiếp lên các bề mặt cần rửa làm ướt, phân hủy thức ăn và dầu mỡ bám trên bát, đĩa khoảng năm giây. Một phút sau động cơ và van từ đóng điện bơm nước nóng vào rửa và tráng bát khoảng 40 giây.

Kết thúc giai đoạn này, máy sấy quạt hút được bật lên, sấy khô bát đĩa... thời gian sấy 16 phút. Đến phút thứ 32 máy tự động ngừng hoạt động, quá trình rửa, sấy khô bát đĩa hoàn tất. Mặt tiếp giáp giữa nắp và thân máy có công tắc điện tự động, nguồn điện chỉ được cung cấp khi đóng nắp máy và tự ngắt không vận hành trong trường hợp mở nắp, tránh làm nước nóng bắn ra ngoài.

Đánh giá về công trình cải tiến công nghệ của Nguyễn Văn Ngọc, tiến sĩ Trần Duy Khanh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thái Bình nhận cho biết máy làm việc tự động hoàn toàn bằng hệ thống rơle, van tự động đóng ngắt đã được lập trình sẵn. Máy rửa được nhiều dụng cụ trong bữa ăn, tiết kiệm thời gian mỗi lần rửa, tiện lợi trong quá trình sử dụng, đơn giản và phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhiều gia đình.

Đáng chú ý, máy chỉ sử dụng chất tẩy rửa bát đĩa thông thường dễ mua và vẫn đảm bảo xoong nồi sạch sẽ hợp vệ sinh, chất lượng máy lại ổn định, độ ồn thấp, giá thành thấp...

Hiện máy rửa bát RB-NTT có giá thành khoảng năm triệu đồng/máy, rẻ hơn nhiều so với các loại máy rửa bát nhập ngoại. Đặc biệt sử dụng máy RB-NTT sẽ tiết kiệm được khoảng 630KW/năm so với sử dụng các máy rửa bát khác.
(Nguồn: Kiến thức kinh tế )